>> Thí sinh xem điểm thi và điểm chuẩn TẠI ĐÂY
Chênh 1 điểm để an toàn
Theo ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, năm nay nếu thí sinh có kết quả thi trên điểm sàn sẽ được trường cấp cho hai giấy chứng nhận kết quả thi. Như vậy, ít nhất, mỗi thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển cùng lúc vào hai trường. Ngoài ra, một số trường có thể chấp nhận giấy chứng nhận kết quả thi photo. Cũng theo ông Trần Văn Nghĩa, thí sinh có cơ hội nộp hồ sơ xét tuyển vào nhiều trường hoặc rút hồ sơ xét tuyển nếu có nguyện vọng khác. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng để có thể trúng tuyển vào ngành phù hợp, thí sinh vẫn nên cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ thay vì chuyển đổi nhiều lần.
Đối với việc lựa chọn để đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, điều mà các chuyên gia tuyển sinh lưu ý thí sinh cần thận trọng khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH công lập vì khả năng trượt rất lớn nếu điểm thi bằng điểm xét tuyển của trường với cách xét tuyển theo kết quả thi từ cao xuống. Như vậy để đảm bảo an toàn, theo các chuyên gia, thí sinh cần cân nhắc mức điểm của mình phải cao hơn điểm chuẩn xét tuyển mà trường đưa ra từ 0,5 hay 1 điểm trở lên, đặc biệt là với những trường có mức điểm xét tuyển cao hơn điểm sàn và chỉ tiêu xét tuyển ít.
Theo ông Đỗ Thanh Duy - Trưởng Phòng thi & công nhận văn bằng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, hiện một số trường công lập còn nhiều chỉ tiêu thường là ĐH Kinh tế công nghiệp, Viện ĐH Mở Hà Nội, khối trường nông - lâm - nghiệp bên cạnh phần lớn các trường ngoài công lập đều dành chỉ tiêu tuyển bổ sung. Một lưu ý nữa với những thí sinh có điểm thi bằng điểm sàn của Bộ hoặc cao hơn một chút nên đăng ký vào những trường ĐH, CĐ có điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ và chỉ tiêu xét tuyển nhiều như các đại học vùng và đại học ngoài công lập.
Trượt đại học nên chọn hướng nào
Nhiều thí sinh đang rất băn khoăn cần lời khuyên khi đã trượt đại học thì nên học trường cao đẳng công lập hay học trường đại học dân lập. Theo tư vấn của ông Vũ Viết Bình, Phó Trưởng ban đào tạo, ĐHQG Hà Nội, thí sinh cần thấy rằng việc học CĐ hay ĐH đều có mục đích là trang bị kiến thức tốt cho công việc tương lai. Bởi vậy, với các thí sinh điểm thi không cao thì việc đăng ký vào CĐ vẫn có cơ hội học liên thông lên ĐH khi điều kiện gia đình không đủ để theo học dân lập.
Đối với thí sinh có điểm dưới mức điểm sàn ĐH, lựa chọn tốt nhất hiện nay là đăng ký xét tuyển bậc CĐ. Nguyễn Kiều Mi, tân sinh viên ĐHQG Hà Nội cho biết, một số bạn trong lớp của mình đã lựa chọn đăng ký một số ngành “hot” nhưng thuộc khối CĐ để chắc chân so với việc mạo hiểm đăng ký vào khối ĐH công lập, chỉ còn chỉ tiêu vào một số ngành khó tuyển. “Cơ hội học tập theo ngành nghề mình mong muốn vẫn tốt hơn là việc học tạm ngành mình không thích chỉ vì muốn có tấm bằng ĐH công lập. Học CĐ cũng không có nghĩa là chỉ dừng lại ở đó khi cơ hội liên thông ngày càng nhiều” - Mi cho biết.
Trong các mùa tuyển sinh trước, các ngành CĐ có xu hướng đưa ra điểm xét tuyển cao hơn điểm thông báo từ 1-2 điểm, nên những thí sinh đạt mức điểm này thì khả năng trúng tuyển cao. Đồng thời các chuyên gia cũng lưu ý thí sinh, hiện nay hầu hết các trường ĐH không xét nguyện vọng 2 với thí sinh có kết quả thi CĐ mà chỉ xét tuyển NV2 theo điểm kỳ thi ĐH.
Theo đó, với những thí sinh không đậu ĐH, CĐ vì kết quả thi quá thấp thì vẫn còn một cánh cửa học tập nữa là nộp hồ sơ xét tuyển học hệ CĐ thực hành. Đây là chương trình đào tạo chỉ xét tuyển dựa vào học bạ và bằng tốt nghiệp THPT/bổ túc THPT mà không phụ thuộc vào điểm thi ĐH, CĐ...