Khó cho trường tốp dưới
Năm nay quy định mới về xét tuyển các nguyện vọng (NV) sau NV1 ghi rõ: Không hạn chế số đợt xét tuyển, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn đợt trước. Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh ĐH, dù gây xáo trộn ít nhiều nhưng quy định này tạo thuận lợi cho các trường tốp cao và tốp giữa, vì nếu không tuyển đủ NV1 trường sẽ hạ điểm chuẩn cho các NV tiếp theo.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP. HCM, ủng hộ các biện pháp mới của Bộ GD-ĐT như: Cho xét tuyển NV nhiều lần, cho dùng bản sao giấy chứng nhận kết quả thi… Những quy định mới này tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh (TS). Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Với các quy định này, trường có thể sẽ đau đầu do dữ liệu ảo nhưng vì quyền lợi chính đáng của những TS có điểm còn cao phải có chỗ học tương xứng thì các trường cũng nên sống chung với ảo”.
PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP. HCM, dự đoán các trường tốp trên sẽ đưa ra điểm chuẩn NV1 cao để chọn được TS giỏi, nếu vẫn thiếu chỉ tiêu thì còn các NV tiếp theo với điểm chuẩn thấp hơn. TS nào cũng mong có cơ hội vào học các trường tốt nên việc hạ điểm chuẩn sẽ giúp các trường tốp đầu hoàn thành chỉ tiêu không khó.
Trong khi đó, khó khăn dồn vào các trường tốp dưới. Thực tế cho thấy điểm trúng tuyển của nhiều trường tốp giữa chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn một ít. Các trường này sẽ hút những TS có điểm cận sàn. Vì thế, các trường tốp dưới vẫn khó tuyển được TS cho dù có quy định được hạ điểm chuẩn do mức điểm hạ không được thấp hơn điểm sàn.
Tìm cách lách quy định
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, chắc chắn các trường sẽ công bố yêu cầu đúng quy định của Bộ về điểm trúng tuyển, thời hạn kết thúc xét tuyển… Nhưng do Bộ không quy định mỗi đợt xét tuyển có thời hạn bao nhiêu ngày nên sẽ có không ít trường dựa vào đây để tìm cách thu hút TS.
Theo quy định, sau khi hết thời hạn nộp đơn của từng NV, các trường mới được tổ chức họp xét tuyển để chọn TS trúng tuyển có điểm từ cao đến thấp cho đủ chỉ tiêu của từng đợt. Nhưng một số trường có thể sẽ áp dụng “luật bất thành văn”: Ngay sau khi nộp hồ sơ xin xét tuyển, TS sẽ được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển, được gợi ý nộp ngay học phí để nhận giấy trúng tuyển vào trường khi chưa hết thời gian xét tuyển NV. Làm theo cách này, rõ ràng các trường đã vi phạm quy chế nhưng thật ra cũng có nhiều trường “lọt lưới” trong những năm qua.
Năm nay, với quy định thoáng về thời gian xét tuyển được kéo dài thêm, có thể hạ điểm chuẩn so với NV trước… sẽ tạo cơ hội cho nhiều trường có thêm “ý tưởng” vượt rào, miễn sao lấy được TS vào trường.
Nên kéo dài giá trị sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi
Việc các trường tìm cách lách luật như đã dẫn chứng ở trên diễn ra nhiều năm nay nhưng Bộ không thể kiểm soát được. Vậy tại sao Bộ lại không đặt ra những biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn từ đầu. Để tạo được sự công bằng, cần có biện pháp quản lý và kiểm tra? Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH dân lập Văn Lang, đề nghị: “Bộ nên quy định thống nhất thời điểm kết thúc của mỗi đợt xét tuyển NV, thay vì để TS nhảy qua nhảy lại lung tung”.
Năm 2011, giấy chứng nhận kết quả thi được sử dụng đến ngày 5/10, năm nay thời gian này được tính đến 30/11. Tuy vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nên xem xét để kéo dài giá trị sử dụng của giấy chứng nhận. Điều này phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi các trường ĐH hầu hết đều đào tạo theo học chế tín chỉ. Ở nhiều nước phát triển, giá trị kết quả các cuộc thi để xét tuyển vào trường ĐH khoảng từ 1 - 2 năm. Về biện pháp lâu dài, ông Nghĩa đề nghị “luật hóa” để cho kết quả thi ĐH tại Việt Nam có thể sử dụng trong 1 năm. Điều đó có nghĩa trường có thể tiếp tục xét tuyển trong học kỳ 2 của năm học đó đối với các TS không trúng tuyển trong học kỳ 1. Điều này sẽ khó khăn về kế hoạch đào tạo nhưng các trường muốn tuyển thêm chắc chắn sẽ tự tìm cách giải quyết được.