PGS.TS Nguyễn Hữu Nhân, Bộ môn Nhân trắc học, khoa Sinh, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội là một trong số ít người có nhiều năm nghiên cứu về công nghệ đọc vân tay khẳng định: "Không thể có chuyện đọc vân tay mà cho ra các chỉ số thông minh hay cảm xúc, khả năng tiếp thu bài giảng… được. Không có một cơ sở khoa học nào để nói lên điều đó.
Chuyên gia khẳng định việc trắc nghiệm vân tay để đoán trí thông minh không khác gì... xem bói!
Nghiên cứu về công nghệ vân tay hàng mấy chục năm nay, theo hiểu biết của tôi thì đến giờ chưa có bất kỳ một công trình nghiên cứu nào về cái này. Nếu có thì chỉ dựa trên những thống kê rồi đoán mò trên những kết quả trùng khớp ngẫu nhiên. Hoàn toàn không thể tin tưởng được, và cũng chẳng có cơ sở nào để nói vậy".
Theo TS Dương Văn Hợp, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, ĐHQG Hà Nội, khoa học lý giải thì kiểu gen + điều kiện ngoại cảnh = kiểu hình. Ở góc độ nào đó, vân tay có thể liên quan đến kiểu hình của kiểu gen, và có thể có những liên quan đến tính cách. Giống như môn khoa học xem đường chỉ tay, nhìn vào đó người ta có thể đoán người này có xu hướng, khả năng lãnh đạo, người kia thì không. Rồi cùng một câu nói nhưng toát lên ở người này thì làm người khác sợ, ở người kia thì không…
Vẫn theo TS Hợp, cho đến nay, đây vẫn hoàn toàn chỉ là những võ đoán dựa trên sự trùng khớp của thực tế mà chính khoa học cũng chưa thể tìm ra được cơ sở đủ để tin tưởng. Vì thế có thể nói đây chỉ là một hình thức bói toán thông thường. Theo quảng cáo thì mỗi lần "trắc nghiệm", phụ huynh phải mất tới 2,7 triệu đồng!
Diễn biến sự việc thế nào chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ đến bạn đọc.