Đó là các loại phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu 1.000 đồng/lít (được cho là sẽ hoàn lại sau khi thu thuế môi trường từ 1/1/2012 nhưng hiện tại vẫn chưa rõ phương án hoàn), phí bình ổn giá xăng dầu 500 đồng/lít, đăng kiểm, bảo hiểm, phí BTĐB.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Tính tổng cả 8 loại phí trên, tại HN, nếu mua chiếc xe ô tô trị giá 400 triệu đồng, khách hàng sẽ phải trả ngay 100 triệu đồng phí. Ngoài ra, mỗi năm sẽ phải đóng thêm tối thiểu 20 triệu đồng phí BTĐB mới được lăn bánh, với xe máy sẽ đóng tối thiểu là 500.000 đồng – một con số quá sức với không ít chủ sở hữu xe máy, phương tiện giao thông phổ biến và là chiếc cần câu cơm nuôi sống nhiều gia đình.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong ngành lại tỏ ra lo ngại trước tình trạng có quá nhiều loại phí đang đè nặng lên đầu phương tiện. “Người sử dụng gần như phải đóng một khoản cố định khá lớn trong khi hiệu suất sử dụng giữa các phương tiện và doanh nghiệp không đồng đều, chạy nhiều chạy ít cũng phải nộp như nhau là chưa hợp lý” - Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho biết.
Đồng quan điểm, TS Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện quy hoạch và quản lý GTVT cũng không tán thành chủ trương thu phí qua đầu phương tiện vì rắc rối trong khi các nước đều thu qua xăng dầu. “Xe máy có thể có hai hình thức: thu theo trước bạ và thu theo bảo hiểm cho người thứ 3.
Ở phương án thu theo trước bạ chỉ có thể thực hiện được một lần đối với xe máy mua mới nên cũng không khả thi. Còn nếu thu theo bảo hiểm cho người thứ 3 thì chưa rõ vai trò của cơ quan cưỡng chế thực hiện”. Trên cơ sở này, TS Khuất Việt Hùng cho rằng, khả năng người dân tự nguyện nộp phí là khá thấp, cần phải có quy định rõ cơ quan nào kiểm tra chủ xe máy đã nộp phí bảo trì đường bộ hay chưa, nếu chưa nộp thì phạt như thế nào và theo nghị định nào.
Chưa giải quyết được những vấn đề trên, khả năng thất thoát phí từ xe máy là rất lớn và khó kiểm soát.