Xe ga xe số đua nhau giảm giá

Đại lý chấp nhận bán dưới giá, hãng xe tung ra đủ chiêu kích cầu dưới các hình thức như quà tặng, hỗ trợ phí… thị trường xe máy “ế vẫn hoàn ế”.

Thị trường đóng băng “xe gì cũng ế”

Lắc đầu ngán ngẩm vì “quá ế” dường như là câu trả lời chung của phần lớn các chủ đại lý bán xe máy tại Hà Nội dù đó là nơi phân phối dòng xe hai bánh thuộc thương hiệu bất cứ nào. Từ những sản phẩm từng làm mưa gió trên thị trường của Honda hay Yamaha đến các dòng xe vốn đã không thật ăn khách của Suzuki hay Lifan, ế hoặc cực kỳ ế đang là tình trạng chung.

“Chưa có năm nào thị trường xe máy lại xuống như năm nay. Từ đầu năm tới giờ tháng nào chúng tôi cũng tồn xe dù hầu hết các dòng xe đã và đang bán dưới giá niêm yết.” Anh Lương Văn Dũng, giám đốc đại lý Yamaha Việt Nhật thở dài chia sẻ khi được hỏi về tình hình kinh doanh xe hai ba tháng trở lại đây.

Anh Dũng cho biết tháng trước khi Yamaha Việt Nam tung ra chương trình hỗ trợ trước bạ cho dòng xe Nozza, doanh số xe này mới có cơ hội nhích nhẹ. Tuy nhiên, hiện nay hết chương trình xe lại tồn. Tất cả các dòng xe từ xe tay ga tới xe số đều rất ít người mua, doanh số hiện giảm 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái dù giá xe hiện đang được bán dưới giá niêm yết từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Bán tốt nhất trong các dòng xe Yamaha hiện là mẫu xe Exciter với mức giá được cho là “hòa vốn” cho các đại lý.

Cũng ngán ngẩm trước thực trạng của thị trường, anh V.D quản lý một HEAD Honda ở quận Hai Bà Trưng cho biết dù cả Honda Việt Nam lẫn đại lý đều tung ra các chương trình ưu đãi giá nhưng doanh số vẫn “đì đẹt” và lượng xe tồn tới cả trăm chiếc.

“Các mẫu xe ăn khách như Air Blade hay LEAD thì vẫn có khách nhưng giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng rõ với tình hình kinh tế hiện nay, vài tháng nữa thị trường có ấm hơn không” anh V.D cho biết.

Nếu Honda và Yamaha vẫn còn “lay lắt” duy trì doanh số nhờ một số dòng xe “hot” như Yamaha Exciter, Honda LEAD hay Honda Air Blade thì những dòng xe vốn khó bán hoặc ít tên tuổi như Suzuki, Lifan hay Diamond Blue càng thê thảm.

“Cả tuần chẳng bán được xe nào, với đà này chúng tôi cũng chuẩn bị đóng cửa. Tôi đã cho nghỉ việc gần hết nhân viên bán hàng vì làm gì có khách”, chị M.L chủ cửa hàng phân phối các dòng xe máy của Suzuki, SYM… trên đường Khâm Thiên cho biết.

Nhiều cửa hàng nhập khẩu và phân phối xe tại các phố chuyên cung cấp xe máy các loại như Phố Huế, Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng gần như đã tạm ngừng nhập thêm xe và tìm cách đẩy hàng tồn thu hồi vốn. “Càng nhập thì càng lỗ nên trước mắt chỉ tìm cách đẩy hàng tồn đi mà thôi”, chị M.L chia sẻ.

Càng ế, càng phải cố kích cầu

Sức mua sụt giảm, chiêu bài duy nhất được áp dụng là giảm giá, ưu đãi để kích cầu dù hiệu quả không thật nhiều trong bối cảnh hiện nay. Với các đại lý, đơn giản nhất là giảm giá, bán dưới giá niêm yết.

Mức giảm giá trực tiếp này nhiều hay ít tùy thuộc vào thương hiệu và dòng xe. Với các thương hiệu như Honda, Yamaha hay Piaggio, mức giảm giá thường dao động từ 500.000 đồng tới 3-4 triệu đồng, tùy theo độ “hot” dòng xe.

Chẳng hạn, Honda LEAD vẫn được ưa chuộng nên mức giảm giá thường dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng trong khi với người anh em PCX, mức giảm thường là 2 đến 3 triệu đồng. Mức giảm với các dòng xe ít tên tuổi đương nhiên phải nhiều hơn.

Với các nhà sản xuất, việc giảm giá trực tiếp không được áp dụng nhiều. Thay vào đó là các chương trình chăm sóc xe, bảo dưỡng miễn phí, quà tặng ưu đãi.

Ngay cả Honda hãng xe máy số một Việt Nam vốn nổi tiếng với việc không bao giờ giảm giá cũng liên tục tung ra các chương trình giảm giá gián tiếp.

Chẳng hạn, từ ngày 12/7, tuy không nói là giảm giá nhưng liên doanh này cũng tìm cách kích cầu cho dòng xe đang rất ế PCX bằng phiếu quà tặng trị giá 2 triệu đồng. Với phiếu này, khách hàng có thể dùng ngay cho việc mua xe Honda hoặc mua phụ tùng, làm dịch vụ tại đại lý Honda.

Chiêu dùng phiếu quà tặng để khéo léo giảm giá cũng được áp dụng với các dòng xe số như Wave 110S và Wave 110RS. Trước đó, liên doanh này lại dùng chiêu tặng phí trước bạ để tiếp sức cho Air Blade.