Đây là nội dung dự thảo sửa đổi mới nhất Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến.
Theo đó, thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp được giảm xuống 15 ngày thay vì 30 ngày như hiện nay. Giá cơ sở để tính giá xăng dầu được tính bình quân của 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc.
Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 12% so với mức bán lẻ hiện hành thì thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng.
Dự thảo cũng quy định , nếu biến động làm giá cở sở giảm trên 12%, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp điều tiết (áp thuế nhập khẩu, bình ổn giá) thì thương nhân đầu mối phải tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế khoảng thời gian và số lần giảm.
Trong biên độ 7-12% thì thương nhân đầu mối phải gửi phương án giá, đăng ký mức điều chỉnh giá tới liên Bộ Tài chính - Công Thương trước thời gian điều chỉnh là 2 ngày làm việc.
Quá thời gian 2 ngày làm việc mà không có văn bản hồi âm của liên bộ hoặc văn bản trả lời không đúng nguyên tắc quản lý giá thì thương nhân đầu mối được quyền tăng giá 7% cộng thêm 40% của mức giá cơ sở tăng trên 7% đến 12%; 60% còn lại sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp.
Nếu sau 2 ngày làm việc không nhận được văn bản trả lời về việc sử dụng quỹ bình ổn thì thương nhân được tăng nốt phần còn lại.
Trường hợp tăng trên 12%, Thủ tướng sẽ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá xăng dầu.
Trước đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 69, quy định mới về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, thay thế cho cơ chế giá điện hiện hành theo Quyết định 24 ngày 15/4/2011.
Điểm mới nhất là quyền tự chủ trong điều chỉnh giá điện của EVN đã được tăng lên so với quy định hiện nay. Đồng thời, tần suất điều chỉnh giá điện sẽ được giảm bớt còn 1 năm 2 lần. Mỗi lần điều chỉnh giá điện phải cách nhau tối thiểu 6 tháng thay vì 3 tháng như hiện nay.
Trong phạm vi khung giá do Thủ tướng vừa phê duyệt, EVN sẽ được điều chỉnh giá điện bình quân tăng tối thiểu là 7%.
Trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động làm cho giá điện bình quân cơ sở cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, EVN sẽ được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời để EVN triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Như vậy, sau khi điện và xăng dầu được trao quyền tự chủ về giá thì người dân chỉ còn biết nín lặng và chờ đợi.