Lúc 15h chiều qua (22/12), giá xăng RON 92 sẽ được điều chỉnh giảm 2.050 đồng/lít, đưa mức giá bán lẻ xuống chỉ còn 17.880 đồng/lít.
Đối với mặt hàng dầu diezen được điều chỉnh giảm 1.420 đồng/lít, giá bán lẻ sẽ chỉ còn 16.990 đồng/lít. Giá dầu madut cũng được điều chỉnh giảm 1.690 đồng/kg, chỉ còn mức giá bán lẻ là 13.130 đồng/kg. Dầu hoả giảm tiếp 1.570 đồng/lít và sẽ có giá bán lẻ ở mức 17.400 đồng/lít.
Việc giảm giá này hoàn toàn tuân theo đúng nhịp diễn biến thị trường thế giới đã lao dốc liên tiếp 3 tháng này. Theo Lao động, trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới tiếp tục giảm sâu thì việc chậm giảm giá xăng, dầu trong nước sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt, trong khi các doanh nghiệp xăng, dầu được lợi.
Trong lúc này nhiều câu hỏi được đặt ra, với mức chênh lệch giá nêu trên, chỉ chậm 1 ngày giảm giá là doanh nghiệp sẽ thu về tiền tỉ. TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính - cho biết, chậm 1 ngày giảm giá, các doanh nghiệp lãi 38 tỉ đồng (tính trung bình cả nước tiêu thụ 38.000 lít xăng/ngày).
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù điều hành giá xăng dầu thời gian qua đã tích cực hơn trong bối cảnh thị trường dầu thế giới liên tục hạ nhiệt, song vẫn chưa tương xứng với giá thế giới và kỳ vọng của người tiêu dùng. Giá vận tải và nhiều hàng hoá tiêu dùng thiết yếu trong nước chưa thực sự giảm sâu có nguyên nhân từ giá xăng dầu vẫn giảm chưa tiệm cận giá thế giới?
Theo một nguồn tin đáng tin cậy thuộc Bộ Công Thương cho biết, do ngày thứ 15 tính theo Nghị định 83 rơi vào chủ nhật là ngày nghỉ, nên bộ chưa nhận được thông báo của các doanh nghiệp về việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này.
Trong khi giá xăng, dầu giảm thì giá điện lại đòi tăng giá. Mặc dù chưa có thông báo chính thức về đề xuất tăng giá điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhưng theo nguồn tin riêng, EVN đã có dự thảo về phương án tăng giá điện gửi Bộ Công Thương với mức tăng 9,5% so với giá bình quân hiện nay. Đây là mức đề xuất tăng cao nhất trong vòng ba năm qua với giá điện bình quân mới dự kiến sẽ là 1.652,19 đồng/kWh, tăng thêm 146,34 đồng/kWh so với hiện tại.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc EVN đề xuất tăng giá “là điều hợp lý”. Dự kiến nếu mức tăng giá trên được chấp thuận, EVN sẽ thu về khoảng 7.000 tỉ đồng. Số tiền này được cho là dùng để bù đắp một phần lỗ tỉ giá 8.000 tỉ đồng trong năm 2013, phí tài nguyên, chi phí lưới điện nông thôn và áp lực đầu tư thêm các dự án. Bên cạnh đó, năm nay giá than bán cho điện tăng 4%-10% khiến ngành điện đội chi phí thêm khoảng 1.500-1.800 tỉ đồng.
“Người tiêu dùng sẽ không đồng thuận”
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng vào dịp cuối năm, người dân phải dồn tiền chi tiêu nên việc tăng giá điện đưa ra lúc này chắc chắn sẽ vấp phải tâm lý không đồng thuận từ người tiêu dùng. Hơn nữa, cho dù lạm phát thấp nhưng sức chi tiêu của người dân cũng thấp. Bên cạnh đó giá điện tăng sẽ tác động trở lại khá lớn các ngành sản xuất khác như sắt thép, xi măng, giấy…
Theo ông Doanh, việc tăng giá điện cần có lộ trình phù hợp. Mức tăng 9,5% là quá cao, mức tăng phù hợp chỉ nên ở mức 4,5%-5%. “Năm nay giá dầu giảm, dự kiến năm 2015 giá than và dầu giảm nữa nên phương án tăng giá của EVN cũng phải tính đến các yếu tố này và phải có lộ trình, không nên gây ra cơn sốc cho nền kinh tế” - ông Doanh lo ngại.