Chia sẻ với báo giới về vai diễn trong phim 3D Mỹ nhân kế (khởi chiếu 1/2/2013), diễn viên Thanh Hằng tiết lộ cô gặp phải sự cố dị ứng mực xăm khi xăm hình con bướm lớn trên lưng lúc vào vai Kiều Thị. Sự cố làm cô bị sưng tấy, chảy mủ nên một số cảnh quay phải hoãn lại. Trước đó, các bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị dị ứng, nhiễm trùng da… do xăm. Việc đưa một hình xăm lên cơ thể sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ về sức khoẻ cũng như các vấn đề xã hội khác, do đó cần phải rất cân nhắc, tìm hiểu và suy nghĩ thật kỹ khi quyết định xăm.
Tục cổ thành thời thượng
Xăm (tattoo - tatouage) là hình thức ghi dấu vĩnh viễn bằng mực, làm thay đổi sắc tố da theo những hình dạng đặc biệt để làm đẹp hoặc vì mục đích khác. Văn hoá hình xăm tồn tại trong lịch sử nhiều nước, từ Tây sang Đông. Ở nước ta, tục xăm mình có từ thời cổ xưa và phổ biến vào đời Trần. Hiện nay, xăm mình đang là mốt thời thượng của một bộ phận giới trẻ, ngay cả dân văn phòng, kinh doanh và giới trí thức cũng đi xăm!
Công nghệ xăm hiện đại ra đời khiến việc sở hữu một hình xăm "sành điệu" và đẹp mắt rất dễ dàng, ít tốn kém và gần như không đau đớn. Ngoài việc xăm các hình vẽ trên da, gần đây đã phát triển thêm hình thức "trang điểm vĩnh viễn" (permanent make-up) bằng cách xăm màu cố định ở chân mày, môi, viền mắt…
Các nguy cơ thường gặp khi xăm
Được thực hiện xuyên qua da, vì thế xăm có thể mang đến nhiều hiểm hoạ. Các cơ sở thực hiện kỹ thuật xăm ở một số quốc gia phải có chứng chỉ học nghề và có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh của ngành y tế. Tuy nhiên, tại nước ta hiện nay, các cơ sở xăm chỉ cần có giấy đăng ký kinh doanh là có thể hoạt động. Nên xăm mình có nghĩa là chấp nhận những nguy cơ sau:
Nhiễm bệnh lây qua đường máu: nếu các dụng cụ dùng để xăm bị nhiễm bẩn bởi máu của người mang bệnh, bạn chắc chắn sẽ bị lây một số bệnh như viêm gan siêu vi B - C, herpes, uốn ván, lao, bệnh phong, giang mai, HIV...
Nhiễm trùng da: sau xăm, trên cơ thể có thể xuất hiện những vết loét hay sưng đau, tạo thành khối u hạt xung quanh vết xăm. Sau khi chữa khỏi, các vết loét có thể để lại sẹo lồi gây mất thẩm mỹ.
Các bệnh truyền nhiễm qua da: xăm mình có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn. Các dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là nổi mẩn đỏ, nóng, sưng đau ở vị trí xăm. Nhiều trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh đã cảnh báo về một số bệnh truyền nhiễm qua da khá nghiêm trọng có liên quan đến việc xăm mình, có thể dẫn đến viêm phổi, hoại tử, nhiễm trùng máu.
Dị ứng: các chất nhuộm màu trong mực xăm có thể gây dị ứng mà dấu hiệu dễ thấy nhất là xuất hiện phát ban ngứa ở vùng da có vết xăm. Triệu chứng này có thể kéo dài nhiều năm sau khi xăm.
Biến dạng hình ảnh cá nhân: những vết sưng và biến dạng do việc xăm hay xoá xăm có thể ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân, đặc biệt đối với những hình xăm ở "mặt tiền": mắt, môi, mặt.
Xoá xăm cũng lắm nguy cơ
Khi còn trẻ, hình xăm có thể lưu dấu một kỷ niệm mà ta muốn giữ lại mãi trên người. Tuy nhiên nếu đến lúc nào đó người xăm muốn giũ bỏ các kỷ niệm và khoảnh khắc ấy đi thì không thể đơn giản xoá là được. Khi xăm hình, kim đã đưa mực xăm vào sâu đến lớp hạ bì, để xoá hình xăm phải tìm cách huỷ bỏ số mực ấy đi. Như thế, chắc chắn ít nhiều cũng để lại sẹo mà nhẹ nhất là những vết sẹo mờ, nặng hơn là những sẹo lồi, xấu xí. Việc cắt, đốt, mài da… để xoá xăm cũng là những tác nhân gây tổn thương da, dễ có biến chứng ung thư hoá sau này.
Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu, các bệnh nhiễm khuẩn ngoài da, tình trạng dị ứng, các biến dạng cơ thể không mong muốn khi xoá xăm… là những vấn đề rất đáng đặt cho những ai lỡ đam mê loại hình nghệ thuật này.
Hẳn đọc đến đây, bạn đã có thể tự trả lời cho câu hỏi: "Có nên xăm mình không?".