Xác bò tót: Tại sao chỉ giữ lại phần đầu?

Ngày 26/7, PGS.TS Trần Ngọc Nam, cho biết tối 24/7 khi hay tin bò chết, ông đã tức tốc điện thoại cho xin giữ nguyên xác con vật.

>> Toàn cảnh vụ bò tót tấn công sân bay Phú Bài

PGS. TS Trần Ngọc Nam, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Thừa Thiên - Huế, cho biết khi hay tin bò chết, ông đã tức tốc điện thoại cho ông Nguyễn Viết Hoạch (phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế) xin giữ nguyên xác con vật để làm hiện vật trưng bày cho Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung do ông làm giám đốc.

Lúc ấy ông Hoạch là trưởng hội đồng khám nghiệm xác bò tót cho biết đã mổ khám nghiệm, lấy một số mẫu vật chuyển ngành thú y xét nghiệm, chỉ giữ phần đầu làm hiện vật trưng bày, còn toàn bộ phần thân và nội tạng đều phải tiêu hủy.

Trả lời PV, ông Hoạch cho biết đã đặt ra việc giữ nguyên xác con bò tót, nhưng luật pháp hiện không quy định phải làm tiêu bản trong trường hợp này. Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, họ khuyến cáo con vật bị bệnh do đó phải tiêu hủy. Cơ quan kiểm lâm quyết định chỉ giao phần đầu cho khoa sinh Trường ĐH Khoa học Huế xử lý làm mẫu vật trưng bày. Còn bộ da thì do quy trình xử lý qua nhiều công đoạn rất mất thời gian nên thôi.

Trong khi đó, PGS.TS Võ Văn Phú - chuyên gia về động vật thuộc Trường ĐH Khoa học Huế - cho rằng chỉ giữ cái đầu mà hủy bỏ cả bộ xương con bò tót là một sai lầm, chỉ cần bỏ ra khoảng 250 triệu đồng là có thể có một tiêu bản cực kỳ quý hiếm cho bảo tàng.

Trả lời về nghi vấn bộ xương cùng da, thịt con bò tót đã được sử dụng vào một số mục đích khác, ông Hoạch đã trưng ra biên bản xử lý hiện vật có chữ ký của đại diện các bên như công an, kiểm lâm, thú y, chính quyền địa phương, chuyên gia... Ông cho biết không thể có chuyện đó được vì tất cả đều được làm một cách rõ ràng, chặt chẽ.

Trở lại giải pháp xử lý con bò tót ở sân bay, PGS.TS Võ Văn Phú cho rằng lẽ ra phải chọn giải pháp dồn đuổi và chăn dắt sẽ hợp lý đối với đặc tính của bò tót - loài ăn cỏ, không nguy hiểm như loài ăn thịt. Việc dùng thuốc mê là sai lầm ngay từ đầu, và nếu con vật còn sống thì khi trả về rừng cũng sẽ khó sống và cạnh tranh nổi vì ảnh hưởng của thuốc mê đối với sức khỏe rất lớn.

Riêng các biểu hiện sung huyết, xuất huyết và tụ huyết nhiều ở nội tạng bò tót mà hội đồng khám nghiệm xác định là “bệnh lý” và cho là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết, PGS.TS Võ Văn Phú cho rằng rất cần phải xem xét lại kết luận này. “Con bò tót này nhiều khả năng là chết tiềm sinh (tức chết thực vật, chết não mà chưa chết tim - PV) do tác động của thuốc gây mê, nhưng máu vẫn lưu thông, cho nên khi mổ thì xuất huyết rất nhiều” - ông Phú nói.