Hiện nay, số lượng nhập khẩu thịt trâu vào Việt Nam của lực lượng kiểm tra trong những ngày qua ước tính khoảng hơn 10.000 tấn. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đã vào cuộc và bước đầu xác minh không chỉ một đơn vị, doanh nghiệp, mà rất nhiều đơn vị tham gia vào việc cung ứng thịt trâu cho thị trường. Vấn đề đặt ra, từ những đơn vị nhập khẩu, đại lý phân phối cấp 1 này, đường đi của thịt trâu tiếp tục về đâu?
Mở rộng phạm vi điều tra
Từ thông tin ban đầu Đội quản lý thị trường số 14 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (PA81 - Công an TP.Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho đông lạnh tại khu công nghiệp (KCN) Quang Minh của Cty An Việt đã phát hiện hơn 40 tấn thịt trâu của Cty TNHH xuất nhập khẩu thương mại và dịch vụ (XNK TM & DV) Tân Đại Dương (Cty Tân Đại Dương) địa chỉ tại số 31 ngách 61/255 Lĩnh Nam, Hoàng Mai.
Qua làm việc nhiều lần với Cty Tân Đại Dương, lực lượng quản lý thị trường số 14 đã phát hiện những đại lý cấp 1 mà đơn vị này cung ứng hàng hóa gồm cả doanh nghiệp và cá nhân, trong đó có: Cty cổ phần đầu tư và thương mại An Việt, Doanh nghiệp tư nhân thực phẩm Minh Đức, Cty cổ phần thực phẩm Thảo Nguyên Xanh, Cty TNHH TM & DV Tâm Trí Sáng, Cty CP rau an toàn Hà Nội, Lê Thị Thanh Hải (Mê Linh, Hà Nội), Ngô Diệu Anh (29 Thống Nhất, Tân Thịnh, TPHCM).
Qua mở rộng điều tra cho thấy từ nguồn Cty Tân Đại Dương lượng hàng này không chỉ cung ứng cho khu vực thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận mà còn được chuyển vào tận TPHCM.
Tuy nhiên có một tình tiết cho thấy diễn biến của sự việc không chỉ dừng lại ở đây. Trong hồ sơ mà Cty Tân Đại Dương cung cấp cho cơ quan điều tra có hóa đơn GTGT số 00004488 ngày 10.3.2014 của Cty cấp bán hàng cho Cty cổ phần TM và hợp tác đầu tư Hà Nội ( 93 Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội).
Trên hóa đơn có khi tên hàng hóa “Thịt trâu không xương đông lạnh 15.000kg, giá: 54.600đ/kg, thành tiền: 819.000.000 đồng”. Tuy nhiên khi lực lượng chức năng làm việc với Cty cổ phần TM và hợp tác đầu tư Hà Nội, giám đốc Cty Trần Văn Khuê cho biết Cty này không số hàng trên, chưa bao giờ kinh doanh thịt trâu đông lạnh (?).
Hiện nay, cơ quan kiểm tra đang tiếp tục lần theo từ đại lý cấp 1, số lượng thịt trâu nhập khẩu vào Việt Nam đi đâu, tiêu thụ như thế nào?
Thịt trâu nhập khẩu không chỉ từ Ấn Độ
Mặt hàng thịt trâu với mác “thịt trâu nhập khẩu” dường như còn xa lạ với người tiêu dùng từ các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và càng xa lạ hơn với người dân ở các tỉnh. Vậy mà chỉ qua điều tra của BCĐ 389 cho thấy lượng thịt trâu nhập khẩu vào VN rất nhiều, nhà nhập khẩu đã nhập từ nhiều nguồn khác nhau không chỉ có Ấn Độ.
Theo đại diện của BCĐ 389 cho biết, chỉ sau khi lực lượng kiểm tra phát hiện sai phạm, trong ngày đầu tiên, thống kê cho thấy đã có 3.142 tờ khai hải quan đã được mở. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, con số này đã lên tới hàng chục ngàn tờ khai.
Điều tra bước đầu của BCĐ 389 cho thấy một số đơn vị nhập khẩu thịt trâu có tờ khai hải quan một số đơn vị nhập khẩu thịt trâu gồm: Cty TNHH Thông Vương; Cty cổ phần TM Tri Đức; Cty TNHH Hùng Thắng Phát; Cty TNHH Mai Hoa; Cty TNHH Quốc té Sao Bắc; Cty XNK thủy sản Quảng Ninh; Cty cổ phần đầu tư XNK Long Giang; Cty cổ phần Huy Tuấn; Cty TNHH quốc tế Sao Bắc; Cty TNHH MTV Kim Anh; Cty TNHH Tiến Hoàng ( Móng Cái); Cty Đại Các (Móng Cái); Cty đầu tư vận tải biển và TM Sao Vàng. Riêng Cty Tân Đại Dương nhập khoảng 28.858kg thịt trâu... Danh sách các đơn vị nhập khẩu còn rất dài hầu hết nguồn hàng thịt trâu được nhập khẩu từ Brazil, Mexico, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Agentina... Tuy nhiên, nguồn từ Ấn Độ vẫn chiếm số lượng nhiều nhất.
Hiện nay, lực lượng quản lý trường vẫn tiếp tục mở rộng làm rõ từ đại lý cấp 1, lượng hàng thịt trâu đi đâu, đồng thời BCĐ 389 đang làm rõ số lượng thịt trâu nhập khẩu vào VN và được tiêu thụ như thế nào từ các đơn vị nhập khẩu.