Dư luận mấy ngày gần đây vẫn chưa hết bàng hoàng và thương xót cho những nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn xe khách ở Sapa. Nhiều câu hỏi được đặt ra: ai (chủ xe hay tài xế) phải chịu trách nhiệm (cả hình sự và dân sự) trong vụ tai nạn nói trên?
Theo giấy phép hoạt động thì hành trình của chiếc xe này là chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai nhưng đã được doanh nghiệp kinh doanh vận tải “điều động” chạy chệch sang hướng Hà Nội - Sa Pa, vậy hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, Luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật Số 5 – Quốc gia) để làm rõ những thắc mắc trên.
* Thưa Luật sư, vụ tai nạn xe khách thảm khốc xảy ra khiến hàng chục nạn nhân thiệt mạng và bị thương. Vậy trong vụ tai nạn này, phía chủ xe (hãng xe Sao Việt, Công ty Minh Thành Phát) hay người lái xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật? Theo quy định thì họ phải chịu trách nhiệm như thế nào?
- Về trách nhiệm dân sự, cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hợp đồng vận chuyển hành khách được quy định tại Điều 533 Bộ luật Dân sự 2005 như sau: “1. Trong trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 2. Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 3. Trong trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thỏa thuận, các quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 618 Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.Như vậy, trong trường hợp vụ tai nạn này, phía chủ xe (doanh nghiệp) có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, phía chủ xe (doanh nghiệp) có quyền yêu cầu người lái xe hoặc người khác, nếu chứng minh được họ có lỗi trong việc gây thiệt hại, hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề trách nhiệm hình sự, nếu vụ tai nạn trên xảy ra là do hành vi vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202) hoặc đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn hoặc điều động (Điều 204) hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ (Điều 205) thì bất kỳ cá nhân người nào có hành vi vi phạm đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu qua điều tra xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đích thân xuống hiện trường xe đổ
* Theo một số nhân chứng là hành khách trên chuyến xe này cho biết, nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thương tâm trên là do xe khách đã đâm va với xe 4 chỗ mang biển khiểm soát của TP Hải Phòng tại một khúc cua hẹp. Vậy người điều khiển chiếc xe 4 chỗ này có phải chịu trách nhiệm không và phải chịu trách nhiệm ra sao?
- Ðiều 604 Bộ luật Dân sự 2005 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã quy định: Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó Trong trường hợp này, nếu chứng minh được nguyên nhân gây ra tai nạn là do lỗi của người điều khiển chiếc xe 4 chỗ nói trên thì người điều khiển chiếc xe 4 chỗ phải bồi thường theo quy định.
Bên cạnh đó, nếu hành vi của người điều khiển chiếc xe 4 chỗ vi phạm quy định pháp luật hình sự về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
* Được biết, chiếc xe khách bị tai nạn chỉ được chỉ định chạy tuyến Hà Nội- Lào Cai, nhưng đã được doanh nghiệp tăng cường lên Sa Pa - cách địa điểm theo giấy phép chừng 40km đường đèo dốc. Trong trường hợp này, doanh nghiệp này sẽ bị xử lý như thế nào?
- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 93/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012) thì việc kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến và ngược lại với lịch trình, hành trình phù hợp do doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký và được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận.
Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 5 của Thông tư 55/2013/TT-BGTVT ngày 26/12/2013 của Bộ Giao thông Vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 23/2014/TT-BGTVT ngày 26/6/2014) thì “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải thực hiện đúng hành trình chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận”
Như vậy, chiếc xe khách bị tai nạn là xe khách theo tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai nhưng lại được doanh nghiệp điều động lên Sa Pa là vi phạm các quy định nêu trên Về chế tài với hành vi vi phạm nói trên cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải quy định rõ tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 Thông tư 55/2013/TT-BGTVT ngày 26/12/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 23/2014/TT-BGTVT ngày 26/6/2014). Theo đó, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi văn bản chấp thuận khai thác tuyến một tháng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này.
* Trân trọng cám ơn Luật sư!