Thoát chết trong gang tấc
Đến sáng 19/4 vẫn chưa tìm thấy 5 người mất tích trong vụ sạt lở. Đơn vị tìm kiếm cho rằng đang tiến rất sát thi thể của các nạn nhân.
Vụ sạt lở đất nghiêm trọng vùi lấp 12 nhà dân xảy ra lúc 4h35 sáng 15/4, tại thôn Khuôn 1, xã Phục Linh. Thông tin ban đầu cho thấy, vụ sạt lở đã khiến 1 người chết, 1 người bị thương và 5 người bị chôn vùi trong đống đổ nát.
Vụ sạt lở nuốt trọn nhiều nhà dân.
Người dân trong khu vực cho biết, khoảng cách giữa chân bãi thải trước đây đến mũi đất vừa bị lún sụt kéo dài chừng 150m - 200m. Trước khi bãi thải bị sạt lở thì độ cao của nó chừng 150m, dốc và có nhiều vết nứt nhỏ. Theo chị Nguyễn Thị Hằng, chị gái của chị Nguyễn Thị Hoàn (nạn nhân vẫn đang bị vùi lấp), bãi thải cao được thiết kế theo kiểu trôn ốc và rất dốc.
Anh Trịnh Quốc Văn (54 tuổi), người may mắn thoát chết kể: "Đang ngủ, đột nhiên bố con tôi nghe thấy tiếng rầm rầm vội chạy ra khỏi nhà". Trong phút chốc, nhà của anh Văn đã bị đất đá xô đổ và vùi lấp. Khi hai cha con đang chạy thục mạng thì đột nhiên có một tiếng nổ đinh tai.
Theo anh Văn, tiếng nổ rùng rợn đó là kết quả của sự va đập chiếc bình gas 12kg mà cha con anh vẫn thường sử dụng. "Nó như một quả bom và còn kinh hoàng hơn cả tiếng ầm ầm của đất đá sụp đổ". "Cha con tôi vừa lên tới giữa đồi chè thì đất đá phía sau đã lăn tới chân đồi" - anh Văn rùng mình kể lại.
Anh Trần Viết Long, sống cách hiện trường chừng 800m, cảm nhận rõ tiếng rầm rầm của đất đá và sau đó là tiếng nổ kinh hoàng. "Tôi chưa thấy một thứ âm thanh nào hãi hùng đến vậy, cứ như trời vừa sụp xuống", anh Long cho biết.
Tìm người thân trong đống đổ nát...
Anh Trịnh Văn Chương (42 tuổi), em trai của nạn nhân Trần Thị Thiện (nạn nhân chưa tìm thấy) và anh Trần Quốc Văn cho biết: Trước đây gia đình anh cũng ở tại khu vực này, nhưng vì sợ bãi thải có thể bị sụt lún bất cứ lúc nào nên anh đã chuyển ra sống cách đó khoảng 500m.
Trong tâm trạng buồn thảm, anh Chương chia sẻ: "Sáng hôm đó, hai vợ chồng tôi dậy sớm để làm đậu phộng bán. Đột nhiên tôi nghe tiếng rầm rầm vọng đến, sau đó điện bị mất, tiếp đến là một tiếng nổ vang lên". Đoán là bãi thải bị sạt lở, anh vội vơ lấy điện thoại gọi cho anh trai là Trịnh Quốc Văn - sống trong khu vực nguy hiểm nhưng không được.
Anh Chương nhớ lại: "Khi tìm đến nơi, tôi tận mắt chứng kiến cảnh người dân đang tháo chạy, phía sau là khối đất đá khổng lồ chuyển động ầm ầm. Tôi còn nhìn thấy cảnh nhà cửa, cây cối đang bị đẩy đi. Mọi người hò nhau chạy đến chỗ cao để tránh bị vùi lấp. Lúc đó tôi chỉ biết chạy và chạy! ".
Niềm vui vỡ òa khi anh Chương gặp được anh trai. Chợt nhớ tới người chị gái cũng sống ở gần đỏ, anh Chương vội vàng đi tìm xung quanh. Tuy nhiên, sự tìm kiếm của anh Chương đã trở nên vô vọng.
Sau vụ sạt lở, người dân trong khu vực tập trung lại và họ nhận ra có tới 7 người vắng mặt, đó là cụ Vũ Thị Hồng, cụ Hà Văn Xuân, bà Trần Thị Thiện, chị Nguyễn Minh Hoàn, anh Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Văn Quân (con chị Hoàn). Sau một thời gian tìm kiếm trong đống đổ nát, họ đã tìm thấy thi thể của cụ Vũ Thị Hồng, còn cụ Hà Văn Xuân bị gạch đá đè lên. Cụ Xuân nhanh chóng được mọi người đưa đi cấp cứu.
Công tác cứu hộ vẫn đang diễn ra rất khẩn trương
Tại hiện trường, 6 chiếc máy xúc cùng hơn 200 nhân viên thay nhau lật từng viên đá, đào từng mét đất với hy vọng tìm được những người sống sót. Việc cứu hộ diễn ra hết sức khẩn trương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - ông Đặng Viết Thuần đã trực tiếp ở hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ.
Ông Thuần cho biết: "Sau khi nhận được tin báo, UBND tỉnh đã tiến hành điều động 4 máy xúc và hơn 200 cán bộ chiến sỹ tham gia vào công tác cứu hộ. Sáng 16/4, tỉnh tiếp tục điều động thêm 2 chiếc máy xúc và 6 con chó nghiệp vụ nhằm đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm".
Theo quan sát của PV, khu vực sạt lở rộng khoảng 4 hecta. Độ cao trung bình lượng đất đá vùi lấp từ 4m đến 6m, thậm chí có nơi lên đến 15m. Việc xác định vị trí của 5 nạn nhân vẫn rất khó khăn.
Tại vị trí mà đội cứu nạn được xác định gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Hoàn, 2 chiếc máy xúc đang làm việc hết công suất. Tương tự, đội tìm kiếm cũng không thể xác định chính xác vị trí ngôi nhà của nạn nhân Trần Thị Thiện bởi bị một số lượng đất đá rất lớn đổ lên...
Thảm kịch đã được báo trước?
Từ 6 năm trước, khi vùng đất nằm sát cạnh thôn Khuôn 1, xã Phục Linh được lấy làm bãi thải để đổ đất đá cho mỏ than Phấn Mễ (Công ty Gang thép Thái Nguyên), người dân nơi đây luôn sống trong tâm trạng lo lắng và sợ hãi.
Trao đổi với PV, những nhân chứng sống của vụ sạt lở đất không kìm được sự bức xúc. Họ cho rằng đây không phải là tai họa đơn thuần mà là việc có thể tránh được nếu Công ty Gang thép Thái Nguyên và chính quyền địa phương không thiếu trách nhiệm.
Theo anh Chương, đây là vụ sạt lở đất lần thứ ba và có hậu quả nghiêm trọng nhất. Hai lần trước tuy không để lại hậu quả nặng nề, nhưng những hộ dân nơi đây đã có ý kiến với chính quyền địa phương rằng, họ có nguyện vọng được di dời khởi khu vực bãi thải.
Anh Chương cho biết thêm, do chính quyền xã Phục Linh muốn giữ lại mương nước chạy qua khu vực bị sạt lở để tưới cho cánh đồng cách đó gần nửa cây số, trong khi Công ty Gang thép Thái Nguyên lại muốn san lấp. Chính vì mâu thuẫn này mà nguyện vọng di dời của những hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm đã không được đáp ứng.
Hậu quả đã được cảnh báo trước và những yêu cầu chính đáng của người dân bị bỏ ngoài tai. Ai phải chịu trách nhiệm về sự việc đau lòng này?