Sau khi ăn hết gần 1,5 kg nấm tán trắng hái được trên núi, cả 5 người trú tại Xóm Vang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) đã phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, dù đã được điều trị tích cực song 4/5 người ngộ độc nấm đã tử vong, trong đó có 2 mẹ con.
Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 24/3 cho biết 4/5 nạn nhân bị ngộ độc nấm, phải nhập viện điều trị ngày 9/3 vừa qua đã tử vong.
Các nạn nhân là bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi); 2 mẹ con chị Lý Thị Thơm (35 tuổi) và con trai Lý Minh Khôi (13 tuổi); cùng cháu họ chị Thơm là Lý Thị Thùy (14 tuổi) đều trú tại Xóm Vang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên). Riêng ông Triệu Nho Phú (56 tuổi) - chồng bà Vũ Thị Hồi, sức khỏe có tiến triển hơn nhưng tiên lượng vẫn rất xấu do nhiễm độc gan.
Trước đó, ngày 8-3, hai mẹ con chị Thơm và cháu Thùy lên núi hái được 1,5 kg nấm và rẽ vào chòi của vợ chồng bà Hồi để nấu ăn. Sau khi ăn nấm 15 tiếng, tất cả đều bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy dữ dội.
Các nạn nhân được đưa đến Trung tâm y tế Võ Nhai, sau đó lại chuyển lên bệnh viện tỉnh. Nhưng do ca bệnh quá nặng, bệnh viện đã chuyển lên Trung tâm chống độc vào tối ngày 9-3. Các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, huyết áp tụt và có các dấu hiệu nhiễm độc gan cấp.
Chỉ ít ngày sau đó, Trung tâm chống độc lại tiếp nhận thêm 9 trường hợp ngộ độc nấm khác từ tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang. Những trường hợp này cũng đang trong tình trạng nguy kịch vì hôn mê và suy gan nặng.
Theo PSG-TS Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, tất cả đều ăn loại nấm độc tán trắng, mọc hoang dại ở rừng, khe suối... Loại nấm này mọc nhiều vào mùa xuân và hè, khó phân biệt với các loại nấm tự nhiên không chứa độc tố.
Hiện bệnh viện đang kết nối với các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, tìm kiếm nguồn gan để thay cho những bệnh nhân nguy kịch.
Theo các bác sĩ, ngộ độc nấm thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 6 giờ, thậm chí có trường hợp tới 40 giờ sau ăn nấm. Biểu hiện của ngộ độc nấm thường là cảm giác bốc hoả, vã mồ hôi, trống ngực, nhịp tim nhanh, đau ngực, thở nhanh, khó thở, buồn nôn, nôn, đau đầu, hạ huyết áp…
Với những trường hợp ngộ độc sau 6 - 40 giờ bệnh nhân mới biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy dữ dội tức là hầu hết chất độc đã vào máu.
Nấm tán trắng được người nhà bệnh nhân mang tới bệnh viện - Ảnh: BS cung cấp
Để sơ cứu nạn nhân ngộ độc nấm, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên áp dụng các biện pháp cơ học để gây nôn sau khi có biểu hiện ngộ độc. Đó là trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều cần cho bệnh nhân uống nước và gây nôn.
Sau đó, cho nạn nhân uống than hoạt tính liều 1gam/kg cân nặng người bệnh. Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo tiến sĩ Lợi, than hoạt tính có thể dự trữ trong gia đình để sử dụng khi cần thiết vì bất cứ loại ngộ độc nào cũng có thể sử dụng được. Than hoạt tính không độc, khi uống vào không hấp thu vào máu mà thải ra ngoài cơ thể theo phân (tạo màu đen).
Trên thị trường hiện có loại thuốc hỗn hợp dịch uống điều chế từ than hoạt tính giá 96.000 đồng, còn than hoạt tính bột giá chỉ vài nghìn đồng/gói.