Vụ cá nhiễm độc: Oan cho cá điêu hồng

Sau khi có tin cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm Trifluralin, ngành nông nghiệp Đồng Tháp, Vĩnh Long khẳng định, các vùng nuôi cá trên sông Tiền được kiểm soát an toàn, không có việc dùng chất cấm tràn lan.

Chỉ là thiểu số

Đồng Tháp hiện là tỉnh có số lượng hộ dân nuôi cá lớn, toàn tỉnh có khoảng 2.300 bè nuôi cá (trong đó, nuôi cá điêu hồng chiếm 60%-70%) tập trung ở huyện Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người nuôi cá điêu hồng lâu năm ở đây đều khẳng định họ hoàn toàn không sử dụng chất cấm.

Là người đã có thâm niên hơn 10 năm nuôi cá, ông Nguyễn Văn Tám, ở xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) bức xúc: “Người nuôi cá chỉ sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp bất khả kháng khi cá bị bệnh. Nếu có việc dùng chất cấm, thì chỉ là thiểu số một vài hộ, cơ quan chức năng nên tìm ra hộ đó để xử lý nghiêm, chứ không thể “đổ oan” cho tất cả người nuôi cá”.

Tỉnh Vĩnh Long cũng có gần 600 lồng bè nuôi cá điêu hồng, tập trung ở Long Hồ, TP. Vĩnh Long, Vũng Liêm… Hàng năm, tổng sản lượng cá điêu hồng của Vĩnh Long đạt khoảng 10.000 tấn. Cá thường được bán qua các thương lái, đội ngũ này đến các làng bè của dân để mua cá, chủ yếu đưa lên TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Ông Liêu Cẩm Hiền- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Hàng năm, ngành nông nghiệp đều tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nuôi cá điêu hồng trong lồng, bè trên sông. Khi cá còn nhỏ, bà con cũng có sử dụng thuốc kháng sinh để trị một số bệnh. Tuy nhiên, khi cá thu hoạch thì hầu như không còn dư lượng thuốc kháng sinh trong thịt cá”.

Người nuôi cá điêu hồng ở Đồng Tháp đang điêu đứng vì thông tin cá có chất cấm.

Kiểm soát chặt chẽ

Cũng theo ông Liêu Cẩm Hiền, đến thời điểm thu hoạch, cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm đều đạt so với yêu cầu đề ra. “Vì vậy, cá điêu hồng được nuôi ở lồng bè trên địa bàn không có nhiễm chất cấm và bảo đảm an toàn cho người sử dụng” - ông Hiền khẳng định.

Còn ông Lê Hoàng Vũ - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp cho biết: “Suốt từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra các hộ nuôi cá điêu hồng và không phát hiện có bất thường. Không có chuyện cá điêu hồng ở Đồng Tháp bị nhiễm chất Trifluralin. Đây là chất dùng để diệt trừ sâu rầy, côn trùng. Ngay khi Bộ NNPTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi, ngành chức năng ở tỉnh Đồng Tháp cũng đã cấm sử dụng các hoạt chất tương tự chất Trifluralin”.

Ông Nguyễn Văn Vũ, một thương lái thu mua cá điêu hồng ở xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết: “Tôi mua cá với số lượng khoảng 3 tấn/ngày ở khắp các tỉnh như: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… Theo kinh nghiệm nhiều năm, để xác định cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm là rất khó khăn vì thương lái mua của nhiều hộ rồi mới phân loại, bán ra thị trường và rất khó truy nguồn gốc. Tuy nhiên, để cứu người dân, ngành chức năng nên công bố ngay các hộ nuôi có chất cấm”.

Ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Kết quả phân tích cho thấy, chỉ có 4 mẫu cá (chiếm khoảng hơn 2%) trong tổng số hơn 170 mẫu đã lấy nhiễm chất Trifluralin bao gồm 2 mẫu cá điêu hồng, 1 mẫu cá tra, 1 mẫu cá basa. Tỷ lệ hơn 2% này chưa nói lên gì cả nếu so với chương trình giám sát của chúng tôi lên tới hàng nghìn mẫu mỗi năm và được thực hiện đều đặn mỗi tháng”.

Theo ông Tiệp, kết quả chương trình giám sát cho thấy tỷ lệ mẫu nhiễm chất cấm Trifluralin đang giảm đi rất nhanh (nếu năm 2010, năm Trifuralin bị cấm, tỉ lệ phát hiện là 9,9% thì năm 2011, tỷ lệ này chỉ còn 2% và trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này nhỏ hơn 1%). “Điều này cho thấy các biện pháp kiểm soát của Việt Nam đã và đang có hiệu quả trên diện rộng. Việc người tiêu dùng có ý tẩy chay cá điêu hồng là oan cho người nuôi cá” - ông Tiệp khẳng định.

Bà Phạm Thị Thu Hằng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long:

Điêu hồng là loại cá nuôi bè, do vậy việc phát hiện tồn dư chất cấm Trifluralin có thể do nhiễm thụ động từ môi trường xung quanh, đặc biệt là từ hoạt động súc xả các ao nuôi tôm, vốn thường xuyên sử dụng chất này trong quá trình cải tạo ao nuôi và từ các ruộng lúa do chất Trifluralin vẫn được dùng như chất diệt cỏ trong nông nghiệp”.