Đi vào nội dung bào chữa cụ thể, luật sư Nguyễn Đình Hưng – Văn phòng Luật sư Hương Giang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại việc viện dẫn và áp dụng các điều 90, 104, 106 của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tại bản án sơ thẩm khi quy kết bị cáo Lý Xuân Hải phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi lẽ Luật các tổ chức tín dụng chỉ có hiệu lực vào ngày 1-1-2011.
Theo phân tích của luật sư Hưng, việc Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi là ngày 22-3-2010. Và khi Luật Các Tổ chức tín dụng có hiệu lực thì việc gửi tiền vẫn được thực hiện, nhưng việc đó đúng hay sai thì vẫn còn chưa rõ. Hơn nữa, giai đoạn này nếu có sai thì là sai của những người thực hiện chứ không phải sai ở những người ra chủ trương.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy một phần án sơ thẩm
Luật sư bào chữa cho Lý Xuân Hải phân tích, thực tế trong đời sống xã hội là khi luật đã được ban hành và có hiệu lực nhưng vẫn phải chờ nghị định, thông tư hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền thì mới thực thi được. Mặt khác, quan điểm này rất nửa vời trong giai đoạn sơ thẩm. Vì hồ sơ vụ án cho thấy năm 2011, Ngân hàng ACB còn ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại nhiều ngân hàng khác. Tuy nhiên, do việc gửi tiền ấy có lãi nên không bị xử lý.
Về hậu quả trong hành vi cố ý làm trái của bị cáo Hải, luật sư nhìn nhận hiện hồ sơ vụ án còn thiếu một chứng cứ rất quan trọng, đó chính là bản án có hiệu lực pháp luật đối với Huỳnh Thị Huyền Như. Vì theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội quy kết thì số tiền gần 719 tỷ đồng của ACB đã bị lừa đảo chiếm đoạt, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều tranh cãi.
Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng về số tiền gần 719 tỷ đồng của Ngân hàng ACB có bị mất hay không, song cấp tòa sơ thẩm vẫn lấy đó làm hậu quả vụ án và làm căn cứ để xác định Lý Xuân Hải phạm tội là không thỏa đáng. Điều này chẳng khác nào dùng một chứng cứ chưa ổn định để làm căn cứ cho một chứng cứ ổn định và có tính pháp lý cao (bản án sơ thẩm).
Từ các phân tích của mình, luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội về phần Lý Xuân Hải cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, khi cùng với Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi và bị lừa đảo chiếm đoạt hết.
Là người thứ hai trong số ba luật sư bào chữa cho cựu TGĐ Ngân hàng ACB, luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, Lý Xuân Hải không thể là chủ thể của Điều 165 – BLHS. Vì Ngân hàng ACB không có một đồng vốn nào của Nhà nước. Tất cả đều được hình thành từ vốn góp của tư nhân, do đó ACB chỉ phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp như với công ty cổ phần.
Theo luật sư Tám, chức danh TGĐ của bị cáo Hải là do Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB bầu ra nên bị cáo chỉ phải chịu trách nhiệm trước thường trực HĐQT và trước Đại hội cổ đông của ngân hàng này. Cũng chính vì không có sở hữu công nên chủ sở hữu tư được quyền tự định đoạt tài sản và hướng kinh doanh của mình. Nếu bị cáo Hải vi phạm pháp luật và gây thất thoát tài sản của ACB thì các cổ đông có quyền miễn trừ trách nhiệm đối với bị cáo.
Cũng theo luật sư bào chữa cho cựu TGĐ Ngân hàng ACB, bị cáo Hải cũng không phải là người để xuất chủ trương cho nhân viên mang tiền đi gửi. Vì hồ sơ vụ án cũng như nhiều lời khai tại cả 2 cấp tòa đều cho thấy, việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền vốn có từ năm 2005. Sau đó chủ trương này lại được Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB quyết định tại cuộc họp ngày 22-3-2010. Khi ra văn bản báo cáo HĐQT, bị cáo Hải chỉ là người tập hợp ý kiến trong Ban điều hành Ngân hàng ACB.
Về ý thức chủ quan của bị cáo Hải trong quá trình đề xuất và triển khai việc cho nhân viên mang tiền đi gửi, luật sư Tám cho rằng thân chủ của ông chỉ là người thụ động. Vì thực tế là khi tham khảo ý kiến từ Ban pháp chế Ngân hàng ACB, bị cáo Hải nhận được câu trả lời rằng việc ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi ở ngân hàng khác là không vi phạm pháp luật. Nói cách khác là bị cáo Hải không cố ý làm trái quy định Nhà nước.
Trong phần tranh luận ở nửa đầu buổi sáng nay 9-12 và chiếm phần lớn thời gian ngày hôm qua (8-12), các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng đã lần lượt đưa ra quan điểm và đều cho rằng cựu Phó chủ tịch Ngân hàng ACB không phạm vào các tội danh như bản án sơ thẩm mà TAND TP Hà Nội đã quy kết.
Hiện, phiên xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm vẫn đang tiếp tục phần tranh luận. ANTĐ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến phiên toà này.