Nhiều nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã phân tích, chỉ rõ những nguy cơ đe dọa lợi ích, an ninh của đất nước, kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng, những biểu hiện mơ hồ, lệch lạc về tư tưởng, kịch liệt phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, nhất là từ trong nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, trí thức đã cho rằng trong bối cảnh tình hình hiện nay ta quá cường điệu “diễn biến hòa bình” và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và đã có những lời nói, việc làm, dù vô tình hay cố ý, tác động tiêu cực đến công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm cho thấy các yếu tố an ninh phi truyền thống mà Đảng ta đã nhận định không chỉ còn là sự đe dọa mà đang hiện hữu, ảnh hưởng xấu đến tâm tư, tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo chí.
Người dân thực sự phẫn nộ, bất bình khi thấy trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, được xác định là một trong những vụ án trọng điểm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã không còn là “bị cáo” khi được thoải mái “diễn thuyết” bằng những lời lẽ lăng mạ, vu cáo các cơ quan tiến hành tố tụng, sử dụng những ngôn từ kích động với mục đích gây nghi ngờ, chia rẽ Cơ quan điều tra với Viện Kiểm sát, Tòa án và cơ quan báo chí; gây hiểu lầm cho những ai không có điều kiện hiểu rõ bản chất vụ án. Rõ ràng đây là sự việc không bình thường, ảnh hưởng đến kỷ cương, sự tôn nghiêm nơi pháp đình.
Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo, trong đó có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa, nói lời sau cùng trước khi nghị án... là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và cũng là yêu cầu của cải cách tư pháp, nhưng điều đó không có nghĩa là để bị cáo lợi dụng phiên tòa xuyên tạc sự thật, kích động dư luận, coi thường pháp luật, thách thức công lý (?!).
Bên cạnh đó, nhiều người dân đã băn khoăn, bức xúc đặt câu hỏi về động cơ, mục đích của một số bài viết trên một số tờ báo, nhất là báo mạng, khi các bài viết này từ tiêu đề đến nội dung đều thể hiện rõ khuynh hướng bênh vực vô căn cứ, thiếu khách quan đối với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, thậm chí có những bài viết còn hồ đồ cho rằng các bị cáo đã bị “oan”, để rồi quay sang chỉ trích các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là cơ quan điều tra, gây hiểu lầm trong dư luận, tạo áp lực lên quá trình giải quyết đúng đắn vụ án.
Trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực-một bộ phận quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang diễn ra đầy cam go, quyết liệt, những vấn đề nêu trên cho thấy các yếu tố an ninh phi truyền thống không phải là cái gì trừu tượng, khó nhận biết, mà nó đang hiện hữu hằng ngày, hằng giờ bởi sự mơ hồ, mất cảnh giác, vụ lợi, vị kỷ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và ngay trong mặt trái của quá trình đổi mới, phát triển đất nước.
Nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, các yếu tố an ninh phi truyền thống cũng sẽ là mối đe dọa trực tiếp sự tồn vong của chế độ ta.
Chúng tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp xử lý kịp thời những vấn đề nêu trên, bắt đầu từ việc đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân về một phán quyết công tâm, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm của Tòa án và sự vào cuộc có trách nhiệm hơn của cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực hiện nay.