Diễn biến bất ngờ vụ đánh chết trộm chó ở xã Gio Thành (Quảng Trị) khi xuất hiện tình tiết 68 người nộp đơn tự thú có tham gia đánh chết nghi can trộm chó làm nảy sinh nhiều tình tiết pháp lý phức tạp.
Trước tình huống này, các cơ quan tiến hành tố tụng Quảng Trị cũng đang lúng túng tìm hướng xử lý. Liệu có oan sai hay không khi xuất hiện nghi can mới hay đây chỉ là hình thức quấy nhiễu, bao che cho tội phạm?
Theo luật sư (LS) Cao Minh Triết (Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang) vụ việc này ban đầu do cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố nên về thẩm quyền, sau khi Công an H.Gio Linh nhận đơn tự thú sẽ chuyển cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị thụ lý.
“Luật Tố tụng Hình sự cho phép quá trình điều tra phát hiện tội phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Nên trong trường hợp này Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị có quyền điều tra, xác minh nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố, xử lý tiếp”, LS Triết nói.
Tuy nhiên, cũng theo LS Triết, trong vụ án này không thể tách vụ án như trên để xử lý vì sẽ trái nguyên tắc có lợi cho bị cáo và việc điều tra sẽ không toàn diện khách quan vì biết đâu trong số 68 người kia có kẻ chủ mưu hoặc người trực tiếp gây ra cái chết cho người trộm chó? Vì vậy, nên nhập vụ án lại điều tra mới toàn diện cũng như tránh bỏ lọt tội phạm không làm nặng những bị cáo đã đưa ra xét xử trước và tránh oan sai. Đồng thời trong quá trình điều tra, nếu xác định 68 người này không liên quan, không có dấu hiệu tội phạm thì hành vi của 68 người này không thể xử lý hành chính hay xử lý hình sự được hành vi của vì họ không gây nguy hiểm cho xã hội.
Chứng minh có phạm tội mới xử
Trao đổi với phóng viên, thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) khẳng định: nghĩa vụ chứng minh tội phạm là của các cơ quan tiến hành tố tụng.
“Anh tự thú, tự khai là quyền của anh nhưng cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh anh có phạm tội thì mới xử”, thẩm phán Hùng phân tích.
Cũng theo thẩm phán Phạm Công Hùng, trong trường hợp này 68 người kia có thể quậy phá, dùng áp lực số đông để tìm cách giải thoát cho những người bị xét xử mà cũng có thể họ là đồng phạm. Vì vậy, trước hết cần phải xem xét dấu vết để lại trên thân thể nạn nhân, theo đó có nhiều vết thương hay không để chứng minh đám đông có đánh hay không. Ví dụ như 70 mấy vết chẳng hạn thì là nhiều người đánh và phải cẩn trọng xem xét có thể việc tự thú có căn cứ.
Cũng theo thẩm phán Phạm Công Hùng, trong trường hợp 10 bị cáo không kháng cáo thì án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và đơn này sẽ được chuyển cho tòa cấp sơ thẩm để chuyển toàn bộ hồ sơ lên cấp tòa phúc thẩm giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm.
Nếu có kháng cáo, kháng nghị cộng thêm đơn tự thú thì chuyển lên tòa phúc thẩm để tòa phúc thẩm xem xét có bao nhiêu người đánh. Nếu xác định chỉ có 10 bị cáo này đánh, đơn tự thú không có cơ sở thì loại những người tự thú này ra. Trong trường hợp này, nếu họ lặng lẽ nộp đơn không la ó, gây mất trật tự công cộng thì không thể xử lý được họ.
“Ngoài ra, nếu đơn tự thú phù hợp với vết thương trên cơ thể nạn nhân thì đã có dấu hiệu lọt tội phạm và tòa phúc thẩm sẽ hủy án để điều tra lại”, thẩm phán Phạm Công Hùng nói.