Thông cáo báo chí của Bộ Giao thông Vận tải phát đi tối 7/12 khẳng định “máy soi tia X hoạt động tốt, đảm bảo chức năng và chất lượng soi, đảm bảo nguyên tắc 100% hàng hóa phải qua máy soi”.
Văn bản này đã đánh bạt đi thông tin nghi “oan Thị Kính” ba tuần qua cho rằng chiếc máy soi tia X trị giá 1,2 triệu đô tại sân bay Tân Sơn Nhất là “thủ phạm”: dù nhân viên hải quan và nhân viên an ninh đã làm đúng quy trình, 600 bánh heroin lọt lưới là do chiếc máy soi tia X bỗng dưng lăn đùng ra “đột tử” đúng vào lúc lẽ ra nó phải làm việc cẩn trọng nhất. Vậy thì đích thị là máy hỏng, chứ cán bộ làm sao mà "hỏng" được.
Nhưng hóa ra không phải vậy. Kết luận của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ “nhân viên an ninh hàng không đã không thực hiện việc kiểm tra trực quan mặc dù đã nhìn thấy sự bất thường là có đồ vật khác chèn chặt trong loa thùng, không nhận biết được là vật gì và không thông báo cho kíp trưởng”.
Ô hay, vậy hóa ra “người hỏng” chứ không phải máy hỏng. Mà "người hỏng" thì xử lý thế nào?
“Kíp trưởng do không được nhân viên soi chiếu báo cáo nên không có lỗi trong việc cho kiện hàng thông qua máy soi và dán tem niêm phong an ninh hàng không. Tuy nhiên, kíp trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm với tư cách là người chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và giám sát toàn bộ công việc tại điểm kiểm tra theo quy định”. Thông cáo báo chí của Bộ Giao thông Vận tải viết.
Vậy là cuối cùng cũng có người phải chịu trách nhiệm rồi nhé. Dư luận đừng có mà rêu rao “huề cả làng, không ai chịu trách nhiệm, lỗi chăng là ở chiếc máy soi tia X”.
Thế nhưng không lẽ ông kíp trưởng phải chịu trách nhiệm to nhất trong vụ này? Còn ông trưởng phòng an ninh hàng không, rồi ông giám đốc Trung tâm an ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất... đâu mà không thấy ai chịu trách nhiệm gì cả?
Với trách nhiệm công vụ, lẽ ra dù không bị “sờ gáy” thì chính những vị này cũng phải đứng ra nhận trách nhiệm trước dân, ít nhất là một lời xin lỗi để người dân còn cảm thấy được tôn trọng. Chứ cứ sai thì lính chịu, sếp vô can thì không được.
Tại sao ở nước ngoài khi có chuyện tương tự, ví dụ một chiếc sà lan tông gãy cây cầu, dù chỉ là sự kiện bất khả kháng, ông bộ trưởng giao thông lập tức lên truyền hình xin lỗi dân và từ chức, dù ông ta chả có lỗi trực tiếp, bởi đó biểu hiện cho một nền “văn hóa từ chức”, trách nhiệm cao trước nhân dân. Ở ta, còn lâu nhé, “bắt tận tay day tận trán” còn cãi được thì “văn hóa từ chức” chỉ là thứ xa xỉ.
Chưa kể với trách nhiệm “gác cổng” hàng hóa xuất, nhập khẩu thì hải quan không thể nói mình đã “làm đúng quy trình”, do 12 loa thùng này đi vào “luồng xanh” nên miễn kiểm tra để “nói không” với trách nhiệm. Nói vậy thì ai làm hải quan chả được, cần gì phải tiêu chuẩn này, trình độ kia khắt khe mới được làm cán bộ hải quan.
Rồi trách nhiệm của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy để ở đâu? Không lẽ chỉ ngăn ngừa, phòng chống ma túy thẩm lậu vào Việt Nam và phòng chống ma túy trong nước, còn ma túy đi ra ngoài thì lơ là? Mà không thẩm lậu vào Việt Nam thì ở đâu ra 600 bánh heroin để xuất đi Đài Loan, không lẽ từ trên trời rơi xuống? Tại sao nó có thể hiên ngang đi qua bao lớp cửa phòng chống ma túy, hải quan, an ninh hàng không… rồi đàng hoàng leo lên máy bay trước mũi bao lực lượng chức năng rồi ung dung “xuất ngoại”?
Chừng nào còn chưa trả lời được những câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai và hành xử văn hóa về "văn hóa từ chức" trước dân thì có lẽ trách nhiệm sẽ mãi vẫn thuộc về nhân viên an ninh soi chiếu lỗi sơ ý và “ông kíp trưởng” liên đới chịu trách nhiệm do cấp dưới gây ra mà thôi.