Tại Bình Dương, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã chi mạnh tay hơn 2,1 tỷ USD xây dựng dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương. Tại Khánh Hòa, Tập đoàn Alma của Israel đã công bố đầu tư 300 triệu USD xây dựng khu nghỉ dưỡng Bãi Rồng (Cam Ranh)…
Đứng thứ 3 trong 18 ngành, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến tháng 11/2013, bất động sản (BĐS) dường như đang tạo sức hút trở lại đối với nhà đầu tư ngoại. Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã có 20 dự án BĐS được nhà đầu tư nước ngoài đăng ký rót vốn (tăng 10 dự án so với cùng kỳ năm 2012), với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 884 triệu USD.
Ông Vinh Nguyễn, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, mặc dù thị trường BĐS Việt Nam cả năm 2013 chưa có bước đột phá đáng kể, nhưng đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ, nhất là ở phân khúc nhà ở trung, cao cấp, khu thương mại phức hợp và du lịch nghỉ dưỡng... Cơ sở cho quan điểm này xuất phát từ hàng loạt vụ đầu tư triệu đô vào các dự án BĐS tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong quý II/2013, có một thương vụ chuyển nhượng dự án khá đình đám là vụ chuyển nhượng cao ốc văn phòng Centrepoint tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh từ một quỹ đầu tư của Nhật Bản cho Mapletree giá 52 triệu USD (Mapletree là Công ty Quản lý vốn BĐS của Singapore, tập trung đầu tư tại thị trường châu Á). Tòa cao ốc này đã được chuyển nhượng hai lần kể từ khi hoàn thành vào năm 2009.
Không riêng thị trường TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh khác ở khu vực phía Nam cũng là điểm đến của nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực BĐS. Tại Bình Dương, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã chi mạnh tay hơn 2,1 tỷ USD xây dựng dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương. Tại Khánh Hòa, Tập đoàn Alma của Israel đã công bố đầu tư 300 triệu USD xây dựng khu nghỉ dưỡng Bãi Rồng (Cam Ranh)…
Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Công ty Nghiên cứu thị trường Knight Frank Việt Nam nhận định, diễn biến những vụ chuyển nhượng dự án hay rót vốn đầu tư vào các dự án BĐS lớn tại Việt Nam trong năm 2013 cho thấy triển vọng lạc quan của thị trường. Điều này đã không được nhìn thấy kể từ khi Việt Nam được xếp hạng thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất, năm 2008.
Diễn biến tích cực này cho thấy, thị trường BĐS từ năm 2014 vẫn sẽ là điểm sáng thu hút nhà đầu tư. Bởi Việt Nam vẫn giữ những ưu thế nhất định so với các nước trong khu vực. Đó là: Giá bán BĐS trong hai năm gần đây đang trở về đúng với giá thực ở mọi phân khúc; Nhu cầu nhà ở của người dân ở khu vực thành thị, nhất là các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… còn rất cao; Lượng người nước ngoài, Việt kiều sống và làm việc tại Việt Nam cũng tăng theo từng năm, đi đôi với nhu cầu mua nhà, thuê, thuê mua nhà ở tăng theo; Nền kinh tế đất nước phát triển ổn định với dân số trẻ…
Hỗ trợ những yếu tố tích cực đối với thị trường nêu trên, từ đầu năm 2013, Chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung, lĩnh vực BĐS nói riêng bằng nhiều chính sách và gói hỗ trợ. Đây chính là những yếu tố được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với các chủ đầu tư BĐS.
Hầu hết các cuộc khảo sát thực tế của doanh nghiệp nghiên cứu thị trường BĐS như Savills Việt Nam, CB Richard Ellis Việt Nam, Knight Frank Việt Nam đều cho thấy, ở mọi phân khúc từ căn hộ bán, biệt thự, nhà phố, đất nền, căn hộ dịch vụ, bán lẻ… đều có sự tăng trưởng nguồn cung nhất định; các giao dịch mua bán từng quý trong năm đều có mức tăng từ 3% - 5%.
Điểm lạc quan nhất của thị trường BĐS là sự tái khởi động xây dựng và hoàn thiện hàng loạt dự án căn hộ, trung tâm thương mại, nhà ở dịch vụ sau thời gian bị đóng băng. Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường đã hồi phục. Điều này cũng đang tác động lớn đến khả năng lựa chọn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm tiếp theo.