Khi tinh hoa đã "phát ra ngoài"
Khi “bà già” Susan Boyle biểu diễn trong đêm chung kết ở Britain’s Got Talent, chẳng còn ai bất ngờ nữa vì bao nhiêu tinh hoa khiến khán giả phải đứng dậy vỗ tay đều đã được Susan Boyle phát tiết hết ở những vòng ngoài. Sự ảnh hưởng của tính bất ngờ đến sự hấp dẫn của các phiên bản Got Talent trên thế giới là không thể phủ nhận và Vietnam’s Got Talent cũng không ngoại lệ.
Phương Anh đã chiếm được tình cảm của khán giả ở vòng loại, nhưng những gì cô thể hiện ở vòng trong, khán giả bị thất vọng.
Ở vòng loại, khán giả có thể bất ngờ với Phương Anh khi cô bé thể hiện ca khúc Let’s dance đầy luôn cuốn, đến nỗi giới truyền thông đã ví von tiết mục của Phương Anh như một điểm sáng cứu rỗi cả một chương trình đang đuối dần.
Trên các mạng xã hội, diễn đàn, Phương Anh như một “cơn bão” gây xúc động đủ tầng lớp khán giả và họ sẵn sàng rút điện thoại nhắn tin cho cô. Nhưng khi vào vòng bán kết, với ca khúc This is me, Phương Anh đã gây ra luồng tranh cãi không nhỏ khi nhiều người cho rằng, vé vào chung kết của cô không xứng đáng.
Đó là hệ quả tất yếu khi tính bất ngờ không còn nữa. Vẫn là một giọng ca lảnh lót, đầy tự tin và phong thái biểu diễn rất có hồn nhưng dường như những điều đó không còn là ẩn số đằng sau một hình hài không may mắn. Khán giả đã quen với giọng hát và phong thái đó, cảm xúc cũng đã tạm lắng xuống. Tất cả hết bất ngờ và lúc đó, Phương Anh bị phán xét với chính năng lực thật sự và bởi tiêu chí “talent” của chương trình.
Cô bé 9 tuổi Vũ Đình Tri Giao tạo ra một làn sóng hâm mộ hình ảnh trong sáng và giọng hát thiên thần của em.
Cũng rơi vào trường hợp như vậy là Vũ Đình Tri Giao. Vẻ bẽn lẽn hồn nhiên, một “back ground” đầy tò mò khi em nói tiếng Việt lơ lớ và You raise me up đã hút hồn không ít các bậc phụ huynh. Đến khi cảm xúc đi qua, Tri Giao lại bị so sánh và phán xét với những giá trị thật nhất. Phần đông khán giả cho rằng, When you believe mà Tri Giao thể hiện ở vòng bán kết không có gì xuất sắc và quá sức đối với tuổi của bé.
Nếu nhìn nhận một cách công tâm, có lẽ Tri Giao hát When you believe không thua kém so với khi hát You raise me up nhưng tiết mục của cô bé không có gì mới mẻ và gây ngạc nhiên nữa. Tính bất ngờ không còn thì dĩ nhiên chỉ còn lại sự hụt hẫng.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp thí sinh khiến khán giả cảm giác không hay và thú vị như vòng ngoài. Nhưng họ may mắn hơn khi vẫn được tin tưởng và hi vọng sẽ khiến cả sân khấu Got Talent bùng nổ ở vòng chung kết.
Lạ nhưng không đặc sắc
Got Talent đã ít nhiều gây ra sự tranh cãi bởi tính “mở” mà BTC dành cho người chơi: đầy đủ thành phần, giới tính, lứa tuổi… và biểu diễn gì cũng được. Điều này được lý giải bởi lẽ nhân văn nhưng cũng bị chỉ trích, vì khi cảm xúc bị lấn át thì tài năng có thực sự được tìm thấy? Cũng đành phải chờ sự tỉnh táo của người xem, nếu họ không bị ảnh hưởng bởi những sự định hướng, dù đúng – dù sai.
Điều gì sẽ kích thích được người xem khi khái niệm "tài năng" luôn có một biên độ rộng? Với một format rất Tây, phiên bản Got Talent tại Việt Nam ít nhiều bị hạn chế, làm sao mà dám chơi các trò “nhảy nude" hay "xì hơi thành nhạc" như Tây được? Cái Tây nhất là “hài độc thoại” của Dưa Leo thì… “trượt vỏ chuối” ngay trước “cánh cửa thiên đường”, còn lại chúng ta chỉ còn “nhảy-múa-hát-ca”.
Vượt xa sự mong đợi, phần thi đậm chất giải trí của nhóm "Gia đình bong bóng" đã chiếm được nhiều cảm tình của người xem
Hai tiết mục được cho là thách thức người xem đó là anh nông dân Kiều Văn Thanh và màn nhảy Parkour của nhóm Gia đình bong bóng. Khi “nông dân sáng chế nhạc cụ” Kiều Văn Thanh được chọn vào chung kết, ai cũng há hốc mồm ngạc nhiên.
Anh nông dân chân chất được vớt vào bán kết do Mr. T bỏ thi vì không đi đến sự đồng thuận với hợp đồng của BTC. Kiều Văn Thanh mang “đàn ca sáo nhị” tự chế lên sân khấu và chơi 1 bản nhạc trữ tình quê hương “Hương tóc mạ non”. Ít ai giải thích được vì sao anh chiến thắng từ những tin nhắn bình chọn từ khán giả và cũng ít ai cảm được, chương trình của anh có gì đặc sắc, dù cũng lạ đấy.
Còn Gia đình bong bóng đã ít nhiều khẳng định được bản lĩnh “ngựa ô” khi so với ở vòng ngoài chẳng mấy người hiểu được nhóm này diễn cái gì. Chính cái sự “ít ai hiểu” đó đã khiến nhóm có sự lột xác khá ngoạn mục khi vào vòng bán kết. Dàn dựng hay, kịch bản ổn, kĩ thuật Parkour tốt và trên hết, nhóm biểu diễn có sự ngẫu hứng của một loại hình nghệ thuật hơi đường phố.
Những cây đàn tự chế của anh Kiều Văn Thanh khiến khán giả thương nhớ đồng quê da diết
Tuy vậy, cả 2 tiết mục của Kiều Văn Thanh và Gia đình bong bóng cũng chẳng phải là những tiết mục quá gây “sốc” về mặt tài năng, Gia đình bong bóng hấp dẫn tí chút ở mặt thú vị và mới nhưng tựu chung cũng không phải quá đặc sắc, còn Kiều Văn Thanh, chắc hẳn, “sốc” nhất vẫn là kết quả.
Ở các thí sinh còn lại, khán giả vẫn đang đổ dồn vào 4 tiết mục có tiềm năng vô địch: đó là màn nhảy Popping của Dương Mạnh Hòa; thầy giáo hát tiếng Anh Võ Trọng Phúc; cô sinh viên hát nhạc kịch Hương Thảo và nhóm hát Acapella iVoice đến từ trường THPT Lê Hồng Phong, Tp.HCM. Dương Mạnh Hòa quậy và kĩ thuật tốt; Võ Trọng Phúc có cái duyên và “e” rất nghệ sĩ; Hương Thảo đáp ứng đúng tính bất ngờ và hấp dẫn của Got Talent, còn iVoice – ít ai bảo họ không có tài năng?
Và nếu như khán giả đang theo dõi quá nhiều các tiết mục hát, nhảy của các thí sinh thì iVoice đang mang đến một hình thức biểu diễn tuy không mới, nhưng là rất khác biệt mà vẫn tạo nên sự hứng thú và cảm phục từ khán giả
Nếu xét về lượng bình chọn qua tin nhắn thì đến giờ phút này, có lẽ Võ Trọng Phúc và iVoice đang giành ưu thế, nhưng cũng chưa biết chừng, những làn gió tươi mới từ Dương Mạnh Hòa và Hương Thảo mới là những “ẩn số” khó đoán, bởi họ có sự ổn định xuyên suốt từ đầu chương trình.
Và cũng không thể quên đề phòng những Vũ Song Vũ, Trường Giang, Ngọc Hoàng hay “em bé hát Rock” Thanh Trúc. Tất cả đều đã sẵn sàng cho Vòng chung kết Vietnam’s Got Talent, bắt đầu từ ngày 22/4 tới.
Cùng xem lại 7 vòng bán kết Vietnam’s Got Talent: