Format nào mới thực sự hấp dẫn?
Giọng hát Việt từng trở thành tâm bão nhờ vòng Giấu mặt có kịch bản rất ấn tượng. Sự “đấu đá” của 4 vị HLV khiến Giọng hát Việt vô tình là sự pha trộn sắc màu của một cuộc thi âm nhạc lẫn show truyền hình thực tế. Thế nhưng, khi dư chấn đã qua đi, bước sang vòng Đối đầu với những “cách tân” như các thí sinh trong đội phải tự loại nhau, HLV nắm toàn bộ quyền sinh quyền sát và các cặp song ca với mục đích hạ bệ nhau, khán giả đã bắt đầu cảm thấy chán ngán thất vọng với Giọng hát Việt. Trên các diễn đàn, đa số đều mong muốn sớm trôi nhanh vòng Đối đầu bởi những gương mặt “đình đám” đã được chọn sẵn vào vòng sau, trong khi những cặp đôi còn lại thì các quyết định của HLV đa phần gây tranh cãi.
Tất cả chờ đợi vòng liveshow trực tiếp để xem thực lực thật sự của các thí sinh trong bốn đội. Vậy nhưng khán giả hình như quên mất, khi đã bước đến vòng liveshow cũng là lúc Giọng hát Việtchính thức đi qua những món ăn “đặc sản” của chương trình.
Hát ở liveshow là vòng thi có trong bất cứ một cuộc thi âm nhạc nào. Sao Mai điểm hẹn có, và tất nhiên Vietnam Idol 2012 càng có. Nếu Giọng hát Việt có “con át chủ bài” là vòng Giấu mặt, thì Vietnam Idol cũng có riêng vòng loại không “đụng hàng” với bất kỳ chương trình nào. Thế nhưng năm nay, Vietnam Idol bất ngờ lướt rất nhanh vòng loại từng một thời làm dậy sóng ở các năm trước, để bước thẳng vào vòng nhà hát và sau đó là top 16 hát trực tiếp trên truyền hình.
... trong khi Vietnam Idol đã bắt đầu tăng tốc
Dường như Vietnam Idol đã nắm bắt được tâm lý của khán giả, khi ăn hoài một món ăn cũng đến hồi nhạt miệng. Vietnam Idol không dùng vòng loại để thu hút người xem, mà dùng chính chất lượng thí sinh để tạo nên độ hot cho chương trình. Hầu như người xem nào cũng nhận ra, Vietnam Idol vẫn đang “giấu” những giọng ca đinh và chỉ cho lộ diện ở những tập kế tiếp. Chưa rõ đây có phải “nước cờ cao tay” của các nhà sản xuất không, nhưng ít nhất sẽ là kế sách hay để đấu với Giọng hát Việt khi cả hai cùng diễn ra vòng liveshow trực tiếp.
Chất lượng thí sinh và hiệu ứng bong bóng
Giọng hát Việt tập trung hầu hết các thí sinh đã dày dặn kinh nghiệm trên sân khấu, hoặc không cũng hát “mòn” ở các phòng trà. Nói không ngoa thì không ít chiến binh đến từ Giọng hát Việt đã từng là ca sĩ, chỉ có điều chưa lên được hàng sao. Vậy tại sao một Tiêu Châu Như Quỳnh hay Bùi Anh Tuấn từng hát đến quen tai ở Bước Nhảy Hoàn Vũ, ở Tiếng hát truyền hình không gây được tiếng vang lại bỗng trở nên “xuất thần” khi trở thành thí sinh Giọng hát Việt?
Những gương mặt "không cũ" tại Giọng hát Việt
Nhiều người xem đó là do “hiệu ứng đám đông”, thậm chí có người còn bông đùa gọi đó là trò “ảo giác nghệ thuật”. Chỉ có điều, càng nổi ở những vòng đầu, áp lực thể hiện thực lực càng lớn trong những vòng sau. Vậy nên bước sang vòng thứ hai, đã có không ít những thí sinh từng được tung hô ở vòng một giờ đây phải lên báo buồn rầu chia sẻ: “Dư luận đang quá khắt khe”.
Hãy nhìn những trường hợp như thế ở Vietnam’s Got Talent, khi thầy giáo Võ Trọng Phúc cũng chỉ đóng đinh với mỗi ca khúc Home đầu tiên, và cậu bé Vũ Song Vũ cho đến tận vòng cuối cùng vẫn chưa vượt qua được cái bóng của chính mình ở vòng thử loại. Khi sự thích thú của khán giả được kéo lên đến đỉnh cao, thì việc vô tình khiến sự thích thú ấy hạ xuống vài nấc cũng sẽ bị đánh đồng thành “nỗi thất vọng”.
Trong khi Giọng hát Việt đang vất vả đi tìm lại cơn sốt như ở vòng đầu tiên, thì Vietnam Idol lại cứ bình bình leo dốc. Cách đây hai năm, Uyên Linh chưa hề tạo ra bất cứ một đột phá nào ở vòng loại như cách mà các thí sinh Giọng hát Việt năm nay đã làm, nhưng càng về cuối chương trình, Uyên Linh khiến khán giả phải “phát cuồng”, khiến truyền thông phải dậy sóng.
Uyên Linh và Văn Mai Hương càng đi sâu càng bùng nổ
Có vẻ năm nay Vietnam Idol vẫn giữ nguyên cách tiếp cận người xem như cũ, khi để các thí sinh có cơ hội dần dần chinh phục khán giả bằng sự đổi mới liên tục của mình. Chưa kể, nếu như Giọng hát Việt là sự tập hợp những ca sĩ theo kiểu “bán chuyên nghiệp”, thì Vietnam Idol là sân chơi ưu tiên cho những người đi lên từ số 0. Khẩu hiệu quen thuộc “From Zero to Hero” của Vietnam Idol chính là minh chứng rõ nhất cho biểu đồ ngày càng tiến lên của cuộc thi âm nhạc này.
Vietnam Idol chú trọng những "viên ngọc thô"
Đặt lên bàn cân hai phiên bản quốc tế
Tại nước Mỹ, American Idol vẫn là cuộc thi âm nhạc số một bất chấp sự cạnh tranh của rất nhiều chương trình khác. Không phải ngẫu nhiên mà trải qua 12 năm, American Idol vẫn vững vàng ở ngôi vị đầu bảng của mình. Giúp khán giả giải tỏa stress ở những vòng loại đầu, nhưng càng về sau American Idol càng bộc lộ sự căng thẳng kịch tính khi buộc thí sinh phải liên tục biến đổi. Rating của American Idol tăng đều trong những tập sau, trong khi ngược lại ở The Voice rating cao nhất luôn nằm trong những tập vòng Giấu mặt đầu tiên.
Ngoài vòng loại, vòng nhà hát, ở top 10 sau mỗi tuần thử thách sẽ loại dần một thí sinh. Như vậy người chiến thắng của cuộc thi Idol sẽ phải thể hiện khoảng chừng 15 ca khúc, trong khi với The Voice số lượng bài hát chỉ dừng ở 8, 9 bài bao gồm cả tiết mục song ca với HLV hoặc hát nhóm với toàn đội. Nếu đặt lên bàn cân so sánh, rõ ràng format của Idol tạo nhiều đất diễn, nhiều phong cách để thí sinh thể hiện bản thân hơn hẳn The Voice. Có lẽ đó cũng là lý do, sau American Idol khán giả lại được chứng kiến sự lột xác ngoạn mục và khả năng chinh phục âm nhạc thế giới của thí sinh. Những Kelly Clarkson, Adam Lambert, Carrie Underwood, David Archuleta,… đã trở thành cái tên quen thuộc gặt hái vô số thành công sau khi bước ra từ American Idol.
Những gương mặt đình đám bước ra từ American Idol
Trong khi đó ở The Voice US, những quán quân á quân của cuộc thi sau hai mùa vẫn chưa có nổi thành tích gì đáng kể ngoài việc thường xuyên được đi tour lưu diễn cùng HLV. Khán giả Mỹ nói rằng, trước cuộc thi họ đã là ca sĩ, và sau cuộc thi họ vẫn là ca sĩ. Tức là các thí sinh vẫn là chính họ, The Voice không tạo ra cuộc cách mạng ngoạn mục nào.
Trong khi đó, người chiến thắng The Voice US vẫn lặn tăm
Những yếu tố ngoài lề khác
Điều khiến Giọng hát Việt đang bị mất điểm trầm trọng trong mắt người hâm mộ chính là sự lạm dụng quá mức các ca khúc tiếng Anh. Theo thông tin trên mạng, trong hai tập Đối đầu còn lại vẫn sẽ tràn ngập các bản song ca tiếng Anh và chỉ có 3/14 là bài hát tiếng Việt. Có lẽ không cần phân tích sâu về chi tiết này bởi các trang báo, các diễn đàn cũng đã đang liên tục la ó. Trong khi đó, Vietnam Idol mới đi qua 3 tập vòng loại và người xem không hề mắc phải những “cục sạn” như ở Giọng hát Việt. Hầu hết bài hát ở vòng loại đều là tiếng Việt, và lịch sử cuộc thi này tại Việt Nam cũng đã chứng minh Vietnam Idol chưa bao giờ có yếu tố sính ngoại.
Ngoài các yếu tố liên quan đến format, thí sinh thì cuộc chiến ngầm giữa BGK hai cuộc thi cũng đã được cư dân mạng tạo ra và đặt lên so sánh. Đã qua rồi vòng Giấu mặt khiến khán giả trầm trồ vì sự đài các của Hồ Ngọc Hà, sự hài hước của Đàm Vĩnh Hưng hay sự điềm tĩnh của Trần Lập. Sau những lùm xùm tranh cãi với Thanh Lam, hai vị HLV Hà Hồ và Mr Đàm đã ít nhiều bị mất điểm trong mắt công chúng. Còn Trần Lập với những quyết định gây tranh cãi ở vòng Đối đầu cũng đã bị không ít người xem thất vọng.
Trong khi đó, Vietnam Idol chưa tạo ra một scandal đáng kể nào từ bộ ba quyền lực Quốc Trung – Mỹ Tâm – Quang Dũng. Quốc Trung vẫn nổi tiếng với những phát ngôn “đắt” và “chất”, Quang Dũng thì hài hước gây cười, còn Mỹ Tâm thì vẫn đang khiến những người có cảm tình với nữ ca sĩ này phải thêm phần yêu mến vì sự gần gũi tôn trọng các thí sinh.
Quan trọng hơn, sự “chừng mực” trong vai trò của BGK Vietnam Idol sẽ giúp các thí sinh không có những thời khắc bị lu mờ bởi sức hút của các HLV như Giọng hát Việt. Và những lời chê bai thẳng thắn của BGK Idol sẽ khiến các thí sinh biết thay đổi rút kinh nghiệm thay vì những lời khen ào ạt như ở Giọng hát Việt.
Tạm kết
Đã có rất nhiều show truyền hình gây sốt từ những tập đầu tiên phát sóng, nhưng càng vào sâu càng không vượt qua cái bóng của chính mình. Đôi khi sự PR quá mức của truyền thông và hiệu ứng đám đông có thể khiến chất lượng thực sự của một chương trình bị thổi phồng quá mức. Trong khi đó, những gì chậm và chắc có khi lại có cơ hội tạo ra những bứt phá để lội ngược dòng ngoạn mục. Cho nên, cuộc chiến giữa Giọng hát Việt và Vietnam Idol vẫn chỉ đúc kết trong câu nói: Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.