Coi đó như tài liệu tham khảo.PGS Văn Như Cương: "Tôi rất ngạc nhiên"
Có thể trong giáo dục có những tiêu chí chúng ta đạt, như phổ cập giáo dục, đi học đúng độ tuổi, số học sinh bỏ học ít, học sinh đoạt nhiều giải thưởng quốc tế… Nhưng nội dung chương trình, phương pháp học tập có đề cập đến trong các tiêu chí xếp hạng này hay không?
12 quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng chất lượng giáo dục dựa trên điểm thi
toán và khoa học của học sinh ở độ tuổi 15 do OECD thực hiện.
Người dân đang bức xúc vì giáo dục yếu kém, không phục vụ được yêu cầu phát triển của xã hội. Vì vậy, nếu Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xét một cách toàn diện nền giáo dục để xếp hạng mà đưa ra kết quả này thì rất đáng ngạc nhiên.
Hay chúng ta đang ở trong tình trạng "Bụt chùa nhà không thiêng" chăng?
Đối với bản thân tôi, tôi không cùng suy nghĩ như bảng xếp hạng này.
Nếu ta tin vào những điều này, thì đổi mới giáo dục làm gì nữa? Đã xếp tận hạng đấy, chẳng cần đổi mới giáo dục chỉ tốn tiền, mà cứ từ từ tiến lên thôi.
Xếp hạng này dường như cũng nói khá rõ về mối quan hệ giữa giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội, khi đưa ra những ước tính như "nếu Ghana, quốc gia đứng cuối bảng, trang bị đầy đủ kỹ năng cơ bản cho tất cả các thiếu niên 15 tuổi, thì trong tương lai, GDP của nước này sẽ tăng đến 38 lần".
Tuy nhiên, không biết họ đánh giá nền giáo dục của Việt Nam đóng góp vào tăng trưởng GDP ở mức độ nào, khi chính chúng ta công bố những con số đáng ngại về tình trạng cử nhân ĐH, CĐ ra trường không có việc làm, làm việc trái ngành nghề, phải đào tạo lại…
Nhìn vào những thông tin ban đầu này cũng không thể thấy ta đang mạnh ở điểm nào được, khi ta không biết những tiêu chí cụ thể, số điểm đạt được cụ thể ở mỗi tiêu chí…
Có lẽ, phải chờ đến lúc những số liệu, tiêu chí của bảng xếp hạng chính thức được công bố tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới tổ chức ở Hàn Quốc trong tuần tới, chúng ta mới có thể có cái nhìn chính xác nhất.
Chuyên gia Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa giáo dục Long Minh: "Bảng xếp hạng chỉ là con số mang tính chất tham khảo"
Bảng xếp hạng của OECD hay khảo sát PISA chỉ là con số mang tính chất tham khảo về giáo dục Việt Nam.
Không có gì đáng ngạc nhiên về thứ tự ở bậc 12 của VN, xếp trên cả Úc và Mỹ. Lâu nay giáo dục Việt Nam bậc phổ thông vẫn được đánh giá khá tốt. Kĩ năng ứng thí được nhà trường rèn luyện cho học sinh được thể hiện một phần qua hàng loạt giải thưởng cao ở các kỳ thi quốc tế về Toán, Vật lý, Sinh học, Hóa học.
Theo quan điểm của GS Ngô Bảo Châu: "Trọng tâm giáo dục hiện nay cần hướng đến là cải cách giáo dục đại học. Đây mấu chốt cần giải quyết vì giáo dục đại học quyết định sự phát triển đất nước trong đào tạo nhân lực cho xã hội. Không thể để sinh viên ra trường mà nhà tuyển dụng cứ kêu hoài là không biết gì, phải đào tạo lại từ đầu".
Những thay đổi ở giáo dục phổ thông, tập trung vào rèn luyện kĩ năng mềm, kích thích sự sáng tạo và phát triển khả năng tự học, tự đọc của học sinh đã/đang được triển khai cần phải phổ biến hơn nữa.
Cộng đồng giáo dục STEM (STEM - Viết tắt tiếng anh của Khoa học- Công nghệ- Kỹ thuật- Toán học mà thực chất là học thông qua thực hành) đã và đang được nhiều tổ chức, cá nhân tích cực xây dựng. Ngày hội STEM lần thứ nhất đang nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, GS Ngô Bảo Châu.
Ở thành thị, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã liên tục có nhiều thành tích rất nổi bật ở các cuộc thi về khoa học công nghệ của học sinh trung học thế giới. Ở nông thôn có thể kể đến hoạt động sôi nổi ở 96 CLB STEM trong tất cả các trường tiểu học và THCS của huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình trong năm học 2014-2015.
STEM có nhiều hoạt động tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Giáo dục STEM còn là cách rèn luyện cho học sinh các kỹ năng sống và làm việc trong thế giới hiện đại.
Thực ra châu Âu hiện cũng đang chưa thật quyết liệt triển khai giáo dục STEM so với Mỹ. STEM giờ gần như trở thành tiêu chuẩn giáo dục mới của Mỹ và được dạy ở tất cả các trường học để học sinh có thể thích ứng với những biến động trong thế kỷ 21. Kể từ năm 2013, chính phủ của Tổng thống Obama đã triển khai một kế hoạch chiến lược về giáo dục STEM. Chúng ta vui vì có những thông tin như báo cáo của OECD nhưng cũng nên cầu thị tỉnh táo xem chúng ta còn yếu ở mặt nào để cùng chung tay đổi mới giáo dục, nhất là giáo dục đại học.
Ông Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh về thương mại hoá giáo dục tại ĐH Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan: "Đón nhận kết quả phải thận trọng".
Để có nhận xét chi tiết cần tiếp cận báo cáo gốc của OECD sẽ được công bố vào tuần sau. Tuy nhiên, tôi được hiểu báo cáo này dùng trên kết quả của ba kỳ thi PISA, TERCE, TIMSS
Ba kỳ thi trước đây làm độc lập. Có vẻ như năm nay, OECD kết hợp lại và cho ra kết quả như vậy trong 76 nền giáo dục khác nhau.
Phản ứng đầu tiên của tôi và các đồng nghiệp khi nhận kết quả của OECD hay PISA là thận trọng. Vị trí cao ai cũng mừng nhưng như kết quả PISA được đưa ra năm 2012 nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra những bất cập của nó" – ông Hiệp cho biết.
Từ góc độ nghiên cứu định lượng, các con số không có ý nghĩa nếu không có giải thích về đầu vào tạo ra con số 12 để thấy đúng bản chất.
Một nghiên cứu từ Đài Loan cho thấy, với PISA 2012, các con số đã cho thấy học sinh Việt Nam thích học Toán vì động cơ thực dụng hơn là động cơ nội tại. Các em học Toán vì nhờ nó có thể kiếm việc làm tốt hơn, giúp ích cho công việc sau này. Mục tiêu giáo dục phải tăng động cơ bên trong, học Toán là để hứng thú.
Hi vọng khi các con số dữ liệu đầu vào của OECD được công bố, những nhà nghiên cứu như chúng tôi có thể dùng nó như dữ liệu tiến hành các phân tích sâu hơn, bắt bệnh cho nền giáo dục Việt Nam, trên cơ sở đối sánh với các nền giáo dục khác.
Cá nhân tôi ủng hộ những nghiên cứu độc lập của các tổ chức có quốc tế như OECD được công bố. Việt Nam có thứ hạng cao hay thấp không quan trọng. Có thực tế bao lâu nay ta làm chính sách giáo dục nhưng không dựa trên các con số định lượng. Những quyết sách đưa ra vì thế khi triển khai đều gặp nhiều vướng mắc, ví dụ như Thông tư 30 về không chấm điểm thường xuyên, thay bằng điểm số với trò tiểu học.
Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm để đổi mới giáo dục phổ thông là đổi mới sách giáo khoa. Khi có bộ chuẩn làm sách giáo khoa, tất cả những yếu tố liên quan đến nó như thầy giảng, trò học như thế nào, điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp cũng cần thay đổi thay cho phù hợp.