Bộ trưởng Công an cho hay hiện cơ quan chức năng đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, theo hướng sử dụng thuốc độc sản xuất trong nước.
Dự thảo hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Hiện nay số bị án tử hình chưa thi hành còn 532 đối tượng nhưng phải chờ nghị định thì mới có thuốc phục vụ việc thi hành án.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công an, mọi việc chuẩn bị để áp dụng hình thức tiêm thuốc độc cho tử tù đã hoàn tất với việc xây dựng, lắp đặt thiết bị phục vụ thi hành án tử hình tại 5 cơ sở ở trại tạm giam thuộc Công an. Đó là các cơ sở ở Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Nghệ An, Đắk Lắk. Việc đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cũng đã hoàn tất. Chỉ chờ thuốc được sản xuất là áp dụng ngay.
Câu chuyện hơn 500 tử tù đang chờ thuốc đã từng làm nóng diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, trong các phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm.
Khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng thừa nhận, mọi công việc chuẩn bị để áp dụng tiêm thuốc độc cơ bản đã xong, từ xây cơ sở cho đến trang thiết bị, đào tạo, chỉ thiếu mỗi thuốc.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang
Theo ông Cường, nguyên do là trong nghị định của Chính phủ lại ghi rõ tên thuốc, mà đều là loại thuốc trong nước chưa sản xuất được, phải nhập. Tuy nhiên, khi phía đối tác biết được ý định nhập thuốc về để xử án tử hình thì họ dừng việc nhập thuốc lại và khuyến nghị nếu phía Việt Nam vẫn dùng thì có thể ảnh hưởng đến việc nhập các nguồn thuốc khác.
Trước việc quy định trong luật bị chậm trễ chỉ vì chưa có thuốc, các đại biểu QH một mặt muốn truy trách nhiệm cơ quan chức năng vì trình phương án mới mà chưa dự phòng nguồn thuốc, mặt khác, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên tự nghiên cứu sản xuất thuốc thay vì phụ thuộc nguồn nhập khẩu, thậm chí có thể quay trở lại hình thức xử bắn như cũ trong khi chờ sản xuất thuốc độc. Bởi với số án tồn như hiện nay, tử tù thì căng thẳng muốn xin được chết, quản giáo cũng bị nhiều áp lực.