Theo tính toán của các nhà khoa học, khoảng 2h đêm 21, rạng sáng 22/4 sẽ là thời điểm trận mưa sao băng Lyrids đạt cực đại, với số sao băng đạt khoảng 20 vệt/giờ. Trước và sau đó, từ ngày 15 - 26/4, người xem vẫn có thể thấy một số sao băng của trận Lyrids, nhưng với số lượng nhỏ.
Lyrids được giới thiên văn đánh giá là trận mưa sao băng hấp dẫn bởi xuất hiện vào đầu tháng âm lịch, là thời điểm không có ánh trăng nên chỉ cần mắt thường cũng dễ dàng quan sát được hiện tượng.
Mưa sao băng kỳ thú
Tuy nhiên, yếu tố thời tiết khác là quang mấy cũng rất quan trọng, bởi nếu trời âm u, nhiều mây và mưa thì sẽ rất khó quan sát hiện tượng này.
Mưa sao băng xuất hiện do trái đất đi vào vùng bụi vốn là tàn dư của những sao chổi. Những hạt bụi có kích thước khác nhau lao vào bầu khí quyển với vận tốc rất lớn tạo ra các sóng xung kích. Sóng xung kích nén các phần tử không khí phía trước làm cho nhiệt độ cao đến hàng nghìn độ C và bốc cháy, tạo ra những vệt sáng ở độ cao 60 -100 km (tính từ mặt đất lên). Người ta gọi những vệt sáng nhỏ ấy là sao băng.
Theo các nhà thiên văn học, mưa sao băng là tập hợp của một số lượng lớn các sao băng rơi xuống cùng một thời điểm của năm. Khi sao chổi đi vào quỹ đạo của mặt trời, chúng nổ tung ra thành những chùm mảnh vụn lạnh và nhỏ phân tán xung quanh quỹ đạo của mặt trời. Nếu trái đất chuyển động xuyên qua chùm bụi này thì chúng ta sẽ may mắn chứng kiến một trận mưa sao băng rực rỡ.
Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ nhiệm CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), trên thực tế, hầu các tháng trong năm đều xảy ra hiện tượng mưa sao băng với cường độ lớn nhỏ khác nhau, chỉ chênh lệch giờ hoặc ngày so với các năm.
Chuyên gia cũng đưa ra kinh nghiệm, xem mưa sao băng cần kiên trì bởi mỗi trận mưa sao bằng thường kéo dài từ 1 tới vài giờ. Khi xem nên nằm ngửa, nhìn bao quát về phần bầu trời xung quanh chòm sao sẽ thấy được nhiều sao băng hơn. Trước đó, cần chuẩn bị áo ấm và những dụng cụ cần thiết để bảo vệ sức khỏe, tránh nhiễm lạnh bởi sương gió ban đêm.