Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ra lệnh cho 2 loại máy bay đặc chủng là tuần thám CASA 212 và thủy phi cơ DHC6, cùng tàu HQ-888 chở thêm 1 đội thợ lặn của quân chủng Hải Quân sẵn sàng đợi lệnh tham gia tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích.
Sáng 9/3, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban an ninh hàng không dân dụng Quốc gia - đã có mặt tại Trung tâm chỉ huy điều hành, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQGTKCN), trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 ER của Malaysia đang bị mất tích.
Trung tướng Võ Văn Tuấn yêu cầu các lực lượng quân đội đang tham gia tìm kiếm ở khu vực nghi máy bay Boeing 777-200 ER của Malaysia bị bất tích, báo cáo kết quả bay tìm kiếm của lực lượng không quân, cố gắng tìm kiếm xem vết nghi dầu loang phát hiện chiều 8-3 có còn không...
Toàn cảnh sơ đồ khu vực tìm kiếm máy bay của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích. Trong đó vùng gạch chéo là của Việt Nam, xanh đậm của Malaysia và xanh nhạt của Singapore - Ảnh: Tô Hà
Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết chiếc máy bay AN26 trong sáng 9/3 đã phát hiện ở phía Tây Tây Nam của vết nghi dầu loang hôm qua (8/3) khoảng 80 km có vệt nghi dầu loang rộng 8 km và dài khoảng 80 km. Vệt nghi dầu loang này nhạt hơn vệt nghi dầu loang phát hiện chiều qua.
“Vệt nghi dầu loang này rất có thể là vệt nghi dầu loang phát hiện chiều qua (8/3) và trôi tới đây theo chiều sóng gió” - Trung tướng Tuấn nhận định.
Trong Trung tâm chỉ huy điều hành, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn ngày 9/3 - Ảnh: Văn Duẩn
Trung tướng Võ Văn Tuấn (trái) đang chỉ đạo việc tìm kiếm tại Trung tâm chỉ huy điều hành, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn - Ảnh: Văn Duẩn
Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết Bộ Quốc phòng đã ra lệnh cho máy bay tuần thám biển hiện đại CASA 212 bay từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) để sẵn sàng chờ lệnh tham gia tìm kiếm.
Bộ Quốc phòng cũng ra lệnh điều thủy phi cơ DHC6 đợi lệnh để bay từ sân bay Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hòa) vào sân bay ở Cà Mau để đợi lệnh.
Bộ Quốc phòng cũng đã ra lệnh cho tàu HQ-888, tàu nghiên cứu biển có trang bị máy quét đa tia và đo đa tia không gian ba chiều) đang thực hiện nhiệm vụ tại Bắc Phú Quý 30 hải lý di chuyển đến khu vực nghi có vết dầu loang ở tọa độ khu vực cách đảo Thổ Chu 140 km. Tàu HQ-888 sẽ chở thêm 1 đội thợ lặn của quân chủng Hải Quân, tiến về khu vực tìm kiếm.
Đại tá Vũ Thế Chiến, Phó Chánh văn phòng UBQGTKCN, cho biết cho tới trưa 9-3 đã có 4 máy bay của Quân chủng Phòng không-Không quân; 7 tàu của hải quân, cảnh sát biển và lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã có mặt tại vị trí xuất hiện vết dầu loang, nơi nghi chiếc máy bay của Malaysia bị nạn để tìm kiếm.
Tuy nhiên đến 11 giờ, vẫn chưa có thông tin nào về việc tìm thấy manh mối nào về máy bay bị nạn.
Thủy phi cơ DHC6
Tính đến 10h40 sáng nay, tổng cộng đã có 16 máy bay và 35 tàu của Việt Nam và các nước đang tham gia tìm kiếm.
Dự kiến, trong chiều 9/3, Trung Quốc điều 2 máy bay và 14 tàu; Philippinnes điều 1 máy bay và 3 tàu; Singapore 2 máy bay và 3 tàu ( 2 tàu cứu nạn, 1 tàu hỗ trợ) cùng với các máy bay, tàu tìm kiếm của Malaysia tiến hành tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích.
Trước đó, thông tin từ Sở chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam tại Hà Nội cho biết sáng 9-3, 3 chiếc máy bay vận tải quân sự AN26 của Không quân Việt Nam đã tiếp tục tiến hành tìm kiếm chiếc máy bay thương mại Boeing 777-200 ER số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia (Malaysia Airlines) mất tích.
Phóng viên Báo Người Lao Động đang có mặt tại Trung tâm chỉ huy điều hành của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Không khí tác nghiệp tại đây rất khẩn trương.
Hiện đang có 3 máy bay của Quân chủng phòng không - Không quân và 6 tàu của các lực lượng gồm: 1 tàu của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải (MRRC), 3 tàu của Quân chủng Hải quân, 2 tàu Cảnh sát biển Việt Nam.
Không khí tác nghiệp khẩn trương tại Trung tâm chỉ huy điều hành của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn - Ảnh: Văn Duẩn
Trong 3 máy bay của Quân chủng Phòng không-Không quân, 1 chiếc AN26 cất cánh lúc 6h54 sáng 9/3 để bay mở rộng tìm kiếm; 1 chiếc AN26 cất cánh lúc 7h23; 1 chiếc AN26 cất cánh lúc 7h41 để đến khu vực tìm kiếm làm nhiệm vụ chỉ huy cuộc tìm kiếm.
Khu vực tìm kiếm của không quân Việt Nam được điều chỉnh mở rộng hơn về phía đảo Thổ Chu, phương thức bay vẫn được giữ nguyên ở mực bay 6.000 - 7.000 feet (khoảng 2.000 - 2.300 m).
Phía Singapore và Malaysia hôm nay cũng có điều chỉnh khu vực tìm kiếm so với điểm IGARI (điểm được đánh dấu ở vị trí máy bay Malaysia biến mất khỏi màn hình radar), trong đó Malaysia mở rộng đáng kể diện tích khu vực tìm kiếm.
Máy bay trực thăng của Malaysia đang quần đảo ở khu vực này. Dự kiến chiếc AN26 đầu tiên của Việt Nam tiếp cận khu vực gần điểm IGARI lúc 11h49 ngày 9/3 (giờ Việt Nam).
Đáng lưu ý là trong sáng nay, Mỹ cũng điều 1 máy bay tới hỗ trợ tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 ER số hiệu MH370 mất tích.
Máy bay AN26 được huy động để tìm kiếm máy bay của Malaysia mất tích
Như vậy, có tổng cộng khoảng 7 máy bay của 4 quốc gia cùng phối hợp quần đảo tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 ER của Malaysia Airlines trên khu vực được khoanh vùng.
Trong khi đó, các tàu hải quân, tìm kiếm cứu nạn hàng hải của các quốc gia đã xuất phát từ đêm qua đã tiếp cận được điểm IGARI. Tuy nhiên, đến nay chưa phát hiện dấu hiệu gì đáng nghi vấn về máy bay mất tích.
Cũng trong sáng 9-3, tàu SAR 413 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vung Tau MRRC) làm chỉ huy hiện trường, đã tới khu vực tìm kiếm lúc 9 giờ sáng và đã liên lạc được với các tàu của hải quân và cảnh sát biển trong lực lượng tìm kiếm của Việt Nam.
Tàu SAR 413 có chiều dài 42,8m, chiều rộng 7,11m, chiều cao mớn nước cơ bản 2,52m, tổng công suất 4.640 kW, tốc độ 26 hải lý/giờ, có khả năng tiếp nhận 19 người bị nạn.
Tàu SAR 413 điều phối hoạt động tìm kiếm trên mặt biển
Các tàu HQ 954, HQ 637 và KN 774 đã tới khu vực tìm kiếm và đang khẩn trương tiến hành hoạt động tìm kiếm trong khu vực được phân công.
2 tàu CSB 2001 và CSB 2003 của cảnh sát biển cũng đã lần lượt tới khu vực tìm kiếm lúc 4 và 5 giờ sáng 9-3 và đang tìm kiếm phía Bắc khu vực chỉ định.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều ngày 8-3, 2 chiếc máy bay AN26 đã tiến hành tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 ER của Malaysia Airlines trên vùng biển được xác định cách Cà Mau 250 km về phía Nam.
Máy bay tìm kiếm của Việt Nam đã phát hiện 2 vết nghi dầu loang trên mặt biển trong khu vực tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 ER số hiệu MH370 của Malaysia mất tích. Địa điểm nghi ngờ có 2 vệt dầu loang nằm trong Vùng thông báo bay (FIR - vùng thông báo bay do Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) giao các quốc gia quản lý) của TP HCM và cách địa điểm chiếc máy bay Boeing 777-200 ER số hiệu MH370 của Malaysia mất liên lạc khoảng 135 km.
2 vệt nghi là dầu loang được máy bay AN26 phát hiện chiều ngày 8/3 - Ảnh: Tổ bay AN26 chụp
2 vật nghi dầu loang trên nằm song song với nhau, có chiều dài khoảng 15-20 km. Vị trí phát hiện cách đảo Thổ Chu khoảng 150 km và cách Mũi Cà Mau khoảng 190 km.
Trước đó, sáng nay 8/3, Hãng Hàng không Malaysia Airlines cho biết một máy bay của hãng này chở 239 người trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Trung Quốc) đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu sau khi rời thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Chiếc máy bay dân dụng Boeing 777-200 ER của Hãng hàng không Malaysia cất cánh lúc 16 giờ 42 phút (giờ GMT) ngày 7-3, dự kiến chuyển giao cho FIR TP HCM lúc 17h22 (giờ GMT) cùng ngày. Khi máy bay mất tín hiệu kiểm soát thì chưa được chuyển giao.
Chuyến bay số hiệu MH370 của Malaysia Airlines chở theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, trong đó có 2 trẻ sơ sinh. Trong danh sách hành khách có 154 người mang quốc tịch Trung Quốc, trong đó có 1 người Đài Loan, và 38 người Malaysia. Các hành khách còn lại đến từ nhiều nước khác như Indonesia, Pháp, Mỹ, Úc, Canada... Theo danh sách hành khách trên trang web của Malaysia Airlines, không có người nào trên chuyến bay mang quốc tịch Việt Nam.