Tại sao xác chị Huyền lâu nổi?
Trước thời điểm tìm thấy xác chị Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân vụ án xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường, một cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội phân tích trên báo An ninh Thế giới, nếu Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh bỏ xác nạn nhân vào túi nilon kín rồi ném xuống sông, thi thể sẽ càng dễ nổi. Còn nếu túi nilon bị hở, nước tràn vào sẽ làm xác chìm nhanh hơn. Quá trình phân hủy thông thường trong khoảng 3-4 ngày. Tuy nhiên, thời gian xác phân hủy và nổi phụ thuộc nhiều vào yếu tố vật lý, hóa học như môi trường, điều kiện thời tiết, mực nước…
Thời tiết nóng ẩm, môi trường nước bị ô nhiễm cao xác sẽ dễ phân hủy, nhanh nổi. Thời tiết lạnh, nước ít ô nhiễm, quá trình phân hủy sẽ chậm hơn. Nước sông Hồng đoạn qua cầu Thanh Trì được cho là có môi trường bình thường do đây là dòng chảy, nước sông được pha loãng liên tục do mưa và xả lũ. Ngoài ra, thời gian nổi còn phụ thuộc vào cơ địa của nạn nhân. Người có thể tạng béo hoặc mắc bệnh sẽ phân hủy nhanh hơn người bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hải, cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an Hà Nội) nhận định, trường hợp nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bị ném xuống sông Hồng, lâu nổi có thể do một số nguyên nhân.
Thứ nhất, thi thể bị dòng chảy cuốn vào khe dưới đáy sông và mắc lại ở đó. Thứ hai, là dòng xoáy địa chất do lưu lượng chuyển động của nước ở vị trí xác nạn nhân chìm, bị cát vùi lấp hoặc mắc vào các vật dưới lòng sông rồi kẹt luôn ở đó khiến xác không nổi được.
Thi thể "quẩn" về bến đò Văn Đức
Nhớ lại thời điểm phát hiện thi thể trôi sông, ông Nguyễn Văn Hùng (làm nghề mò bắt tôm) kể, lúc đó khoảng 9h ngày 18/7. Khi đang mò tôm dọc sông Hồng - đoạn qua khu vực bến đò Văn Đức, Gia Lâm (Hà Nội) ông phát hiện một xác chết. Sự việc nhanh chóng được báo đến cơ quan công an. Do một số người dân vạn chài ở khu vực này đã nhiều lần tham gia tìm vớt xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền nên thông tin nghi vấn đây là xác người phụ nữ xấu số này được lan truyền.
Theo mô tả của người đàn ông vạn chài, ngay từ lúc mới nhìn thấy ông đã phán đoán thi thể không đầu phát hiện là nữ giới, bởi quần áo trên người cho thấy, nạn nhân mặc áo trắng ngả màu có hoa, quần màu đen. Địa điểm phát hiện xác chết nằm cách cầu Thanh Trì - nơi Nguyễn Mạnh Tường khai nhận ném xác nạn nhân khoảng 4 km. Theo kinh nghiệm của những người làm nghề vớt xác trên sông Hồng, bến đò Văn Đức là địa điểm mà các xác chết trôi trên sông hay dạt vào.
Ông Nguyễn Văn Hồ (người từng vớt hàng trăm xác chết tại khu vực này) kể, sông Hồng đoạn từ cầu Thanh Trì đến bến đò Văn Đức dài khoảng 5 km chứng kiến nhiều cái chết đau thương về sông nước. Khu vực bến đò Văn Đức nước tĩnh, không có vùng quẩn nên xác người nhảy cầu thường theo dòng trôi về đây.
Khớp xương tử thi không có vết chặt, cắt
Ngày 18/7, khi công an khám nghiệm tử thi trôi ở bến đò Văn Đức, mẹ đẻ, chồng và em trai chị Huyền cũng có mặt. Hôm phát hiện xác nạn nhân nữ không đầu tại gần bến đò Văn Đức - là gần 9 tháng kể từ ngày chị Lê Thị Thanh Huyền mất tích (ngày 19/10/2013).
Theo lời khai của Nguyễn Mạnh Tường, chiều tối hôm đó anh ta đã cùng bảo vệ Đào Quang Khánh cho xác nạn nhân vào bọc nilon rồi ném từ cầu Thanh Trì xuống sông Hồng. Trở lại với phần tử thi được phát hiện ngày 18/7, ngay khi nhận được tin báo, Công an Hà Nội đã phối hợp các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Người nhà chị Huyền gồm: mẹ đẻ, chồng và em trai được phép có mặt để phối hợp nhận dạng.
Tử thi được phát hiện đang trong tình trạng phân hủy mạnh, đã bị mất phần đầu... Kiểm tra các khớp của nạn nhân xấu số cho thấy không có vết chặt, cắt, trên xương không có thương tích. Dựa vào những đặc điểm xương cho thấy nạn nhân là nữ giới, chiều cao từ 1m55 đến 1m60, đã chết khoảng 8-10 tháng. Điểm bất thường ở tử thi này là trên quần của nạn nhân có nhiều vữa bám dày, chặt.
Người nhà vụ thẩm mỹ Cát Tường qua nhận dạng có nhận định ban đầu rằng thi thể đó không phải của chị Huyền. Riêng bà Nguyễn Thị Hiền (mẹ đẻ nạn nhân) cho biết, linh tính mách bảo bà đây là thi thể người con xấu số. Tuy vậy, bà không dám tin vào bản thân vì khi mất tích, chị Huyền mặc áo chấm bi, trong khi chiếc áo trên xác nữ đã bị loang màu giống như áo hoa.
Quần áo chị Huyền khác lúc đi ra khỏi nhà?
Nhận định về việc này, một cán bộ có nhiều năm làm công tác khám nghiệm tử thi cho rằng, có thể do xác bị ngâm nước suốt 9 tháng trong điều kiện nước nóng - lạnh khác nhau của thời tiết phía Bắc, bị vùi dưới lớp cát ở đáy sông nên có thể quần áo đã phai màu, bị loang giống như áo hoa.
Thời gian tử vong của nạn nhân trùng khớp với khoảng thời gian chị Huyền mất tích, độ tuổi xương khớp với độ tuổi nạn nhân, không loại trừ thi thể này là nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền - một cán bộ tham gia khám nghiệm hiện trường nhớ lại.
Từ nhận định này, việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi được tiến hành tỉ mỉ trong suốt buổi chiều ngày 18/7 và kết thúc vào tối muộn. Những người không liên quan không được đến gần khu vực này. Phần xương đùi thi thể được các chuyên gia đánh giá sẽ cho kết quá giám định ADN tốt nhất, nên Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã lấy mẫu xương này. Bố mẹ đẻ, con ruột chị Huyền cũng được lấy ADN để đối chiếu. Thông thường, việc giám định ADN chỉ cần lấy mẫu của mẹ đẻ nhưng trong vụ việc này, cơ quan giám định đã lấy thêm mẫu của bố đẻ và con ruột để có kết quả giám định chuẩn xác.
Vết vữa bám trên quần chị Huyền có gì bất thường
Quá trình khám nghiệm tử thi trôi sông dạt vào bến đò Văn Đức (Gia Lâm), cơ quan công an phát hiện một dấu hiệu bất thường, đó là chiếc quần còn dính vào xác chị Huyền bám nhiều vữa, bê tông. Thông tin này làm dấy lên dư luận, có hay không việc trước khi phi tang xác chị Huyền, Nguyễn Mạnh Tường đã có cố tình đổ bê tông vào thi thể, khiến xác chị Huyền chìm sâu xuống nước.
Thông tin với báo chí trong chiều 5/8, Đại tá Nguyễn Văn Viện, Chánh Văn phòng Công an Hà Nội cho biết đúng là quần áo nạn nhân có dính bê tông và hiện cơ quan công an đang làm rõ tại sao lại có dấu hiệu bất thường này. Liên quan đến dấu hiệu bất thường này, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ việc chị Huyền có phải bị vứt xuống sông ở cầu Thanh Trì hay không. Hành vi giấu xác xảy ra trước hay sau khi Tường ném xác xuống sông.
Theo lời khai của Tường và Đào Quang Khánh, ông Hòa cho rằng có khả năng việc Tường khai ném xác nạn nhân xuống sông là giả mạo. Vì thực tế, khi tìm thấy thi thể chị Huyền có mảng bê tông dính vào hai bên đùi. Luật sư Hòe phân tích, giả thuyết Tường đã chuẩn bị cho bê tông vào xác để giấu đi, hành vi của các bị can bê xác ném qua lan can sẽ không xảy ra, vì thi thể nạn nhân đã bị chèn bê tông, khá nặng. Tường có thể đem giấu xác ở chỗ khác. Như vậy, lời khai của Tường trước đây có thể không trung thực. "Ngược lại, nếu việc ném chị Huyền qua cầu Thanh Trì là thật thì tại sao có bê tông bám vào. Cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ yếu tố này", ông Hòe nói.