Trên các cung đường thời trang, mỹ phẩm như Nguyễn Trãi (quận 1), Cách Mạng Tháng 8 (quận 3), các mặt hàng của Thái Lan được bày bán nhiều với mức giá bình dân, rất thu hút khách hàng.
Chị Khánh, chủ một shop thời trang trên đường Nguyễn Trãi cho biết, nếu như trước kia, quần áo bán tại khu vực này chủ yếu là hàng Trung Quốc thì hiện nay, phần nhiều đều là hàng Thái Lan. Nguồn hàng không chỉ được xách tay như trước kia, mà nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu, phân phối cho các cửa hàng, với mức giá tương đối cạnh tranh.
"Chất lượng hàng Thái có phần tốt hơn hàng Quảng Châu. Cùng một loại áo da nhưng sản phẩm của Thái lại có độ mềm và thiết kế thời trang hơn với mức giá chỉ chênh lệch cỡ 50.000-100.000 so với áo của Trung Quốc, nên khi hàng Thái xuất hiện hàng của Trung Quốc trở nên khó bán hơn, buộc lòng phải hạ giá ”, chị Khánh chia sẻ.
Trong khi đó, người tiêu dùng lại khá hào hứng. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, một khách hàng ở quận 3 cho biết hàng Thái Lan có mẫu mã đẹp, giá rẻ, mà chất lượng thì hơn hẳn hàng Trung Quốc. "Đồ gia dụng Thái Lan dùng rất lâu mà vẫn giữ được chất lượng như ban đầu. Không chỉ tôi mà nhiều bạn bè, người thân quen dùng hàng nước này cũng có chung cảm nhận", chị Hằng chia sẻ.
Giày, dép là mặt hàng thế mạnh của Thái Lan, được bày bán từ lề đường cho đến chợ và siêu thị.
Sự đổ bộ của hàng Thái Lan còn diễn ra tại hầu hết các siêu thị lớn nhỏ trong thành phố với những cửa hàng chuyên bán sản phẩm có xuất xứ từ quốc gia này.
Trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, cùng một địa điểm nhưng có đến 2 cửa hàng chuyên bán đồ Thái. Một nhân viên bán hàng ở đây cho biết giầy, dép, bánh, kẹo, đồ dùng bếp là những mặt hàng bán chạy nhất. Cũng theo lời nhân viên này, tại đây không bán đại trà nhiều sản phẩm mà chỉ lựa chọn những mặt hàng được người tiêu dùng mua nhiều, có mức giá phù hợp. Trong khi hàng hóa trong nước đang bị động, hàng Trung Quốc mất tín nhiệm thì tại thị trường bán lẻ, hàng Thái đang dần soán ngôi. Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ cơ hội này nhập nhiều loại hàng từ Thái Lan về để phân phối lại các điểm bán lẻ trong nước.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, giám đốc một công ty nhập khẩu ở Tân Bình cho biết: “Không riêng gì năm nay, vào những năm trước hàng Thái cũng ngấm ngầm vào nước ta dưới nhiều hình thức như xách tay, hội chợ xúc tiền thương mại. Còn năm nay, lượng hàng công ty tôi nhập về nhiều gấp đôi năm trước, do nhu cầu của nhiều điểm bán lẻ, cửa hàng tiện ích với hàng Thái lên cao".
Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, hàng hóa Thái Lan, đặc biệt là mỹ phẩm, thời trang, tiêu dùng phát triển rất mạnh, giá rẻ nên cạnh tranh rất lớn với hàng hóa từ Nhật, Hàn Quốc. Những mặt hàng Thái Lan được ưa chuộng hơn cả vào thời điểm này, theo ông Tuấn, là đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm. "Thông thường, các điểm bán lẻ sẽ lên danh sách hàng hóa, gửi yêu cầu, công ty sẽ nhập hàng dựa trên danh sách này. So với các năm trước, năm nay, số đơn đặt hàng bánh kẹo tăng đột biến", ông Tuấn nói thêm.
Hàng thực phẩm Thái lan đã xuất hiện trên kệ hàng Tết của nhiều siêu thị lớn nhỏ tại TP.HCM.
Hàng Thái vào Việt Nam sẽ giúp cho người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, làm tăng tính cạnh tranh, nhưng cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đứng trước mối lo mất thị trường. Anh Dũng, chủ cơ sở sản xuất giày dép quận 4 cho biết: “Số lượng giày dép sản xuất ngày một ít, vừa phải cạnh tranh lại hàng Trung Quốc giá rẻ, tiếp đến là hàng Thái ồ ạt bán khắp các vỉa hè, thực sự công nghệ sản xuất lẫn mẫu mã mình đều không bằng họ, nên thị trường ngày một hẹp đi khiến cho việc kinh doanh ngày một khó khăn hơn”.
Còn theo số liệu của Bộ Công Thương mới nhất, tính về số lượng nhập khẩu, hàng xuất xứ Thái Lan đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc. Sản phẩm chiếm ưu thế so với hàng nhập khẩu từ nước khác là đồ dùng gia đình, hàng may mặc do Thái Lan sản xuất có mặt ở gần 9.000 chợ trên cả nước. Hàng điện lạnh, điện tử chiếm 70% thị phần, riêng hoa quả chiếm 40% thị phần nội địa.