“Cò vé” hoành hành
Trong vai người đi mua vé, chúng tôi vừa ra khỏi cổng ga, một người trung niên chạy xe Wave RS vẫy lại, chào rôm rả: “Về đâu? Ngày mấy? Bao nhiêu vé? Có vé luôn bây giờ. Khỏi vào ga đợi chi cho mất thời gian rồi về tay không”.
Chúng tôi yêu cầu vé về ga Tam Kỳ, đi tối 26 tết (tức ngày 14.2.2015). “Cò vé” tư vấn mua vé ra ga Đà Nẵng rồi xuống ga Tam Kỳ. Nói xong, “cò” chở chúng tôi tới một quán nước mía trước cổng ga gặp một thanh niên khoảng 30 tuổi. Thanh niên này lấy ra một xấp vé trong túi quần, đưa chúng tôi một vé tàu TN8 về ga Đà Nẵng ngày 14.2.2015, khởi hành 21h10, toa 2, số ghế 31.
Giá in trên vé 721.000 đồng. Trên vé đã in sẵn tên một người khác. Chúng tôi từ chối mua với lý do vé không chính chủ sẽ không được lên tàu. Người này trấn an: “Ở đây không ai bán vé đúng tên và chứng minh nhân dân đâu. Người ta mua cả chục vé, còn em mua một vé thì lo gì. Năm nào cũng quy định thế, nhưng rồi cuối cùng ai cũng được lên tàu. Ở đây anh quen cả…”.
Sau đó, chúng tôi lân la quanh cổng ga, gần chục “cò” khác đến mời chào. Khi nghe tôi muốn mua vé tàu đúng tên, CMND, “cò” tên Hải - mặc chiếc áo thun màu đen, lên tiếng: “Nếu muốn lấy liền thì vé không chính chủ. Còn vé đúng tên, CMND phải chờ tới ngày đi tàu, đến ga trước 3 tiếng anh mới giao vé rồi lấy tiền, nhưng giờ đặt cọc trước 100.000 đồng”. Người đàn ông này khoe do lấy vé từ nhân viên nhận đặt vé trong ga nên vé bán cho khách đảm bảo đúng tên, CMND và cũng rẻ hơn “cò” khác từ 50.000 - 100.000 đồng. Chúng tôi viện lý do phải hỏi ý kiến người thân nên không chịu đặt cọc. “Vậy mà không nói sớm, mất thì giờ. Lấy số điện thoại anh 01283626… Có gì thì gọi” - Hải tỏ vẻ khó chịu.
Theo ghi nhận, những hành khách khi mua vé từ “cò”, nếu muốn đổi tên từ người khác sang tên mình phải chi một số tiền tương đối cao. Ngày 10.12, chị Phạm Thị Hà (ngụ quận Bình Tân) đến gặp “cò” trước cổng ga đặt 5 vé tàu tết chặng Sài Gòn - Thanh Hóa đi ngày 25 tết. Giá vé gốc 1.059.000 đồng, tiền “cò” chị Hà phải thêm 250.000 đồng/vé. Tuy nhiên, “cò” cho biết đây không phải là vé chính chủ, vì vậy để sang tên vé chính chủ thì giá lên đến 1.700.000 đồng/vé (bao gồm cả tiền vé gốc và tiền cò - PV).
Kiên quyết vé không đúng tên, không được lên tàu
Theo ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng ga Sài Gòn - với hình thức bán vé tàu điện tử thống nhất như tết năm nay, không có chuyện nhân viên nhà ga tuồn vé ra được bên ngoài như lời rêu rao của “cò”. “Tất cả vé tàu đều được đưa công khai lên hệ thống www.dsvn.vn để hành khách đặt chỗ, do vậy nhân viên nhà ga không thể tự xuất vé sạch (vé chưa có tên, CMND người đi tàu) bán cho khách. Nhân viên ga chỉ xuất được vé sau khi khách đã đặt chỗ thành công trên mạng (với đầy đủ thông tin tên, CMND người đi tàu) và thanh toán tiền vé” - ông Thành cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Đinh Văn Sang - Phó Tổng GĐ Cty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn - cho rằng, do vé tàu được đưa lên mạng nên một số đối tượng đầu cơ tự đặt chỗ với thông tin tên, CMND của một người nào đó để mua vé rồi đem ra chợ đen bán cho khách. Những trường hợp khách mua vé lại từ cò sẽ không trùng khớp tên, CMND người đi tàu coi như vé không hợp lệ và không được giải quyết lên tàu. Vì vậy, hành khách không nên mua vé từ chợ đen. “Nếu nhân viên nào của ngành đường sắt tiếp tay cho “cò”, dẫn khách có vé không hợp lệ lên tàu bị phát hiện sẽ xem xét xử lý sa thải” - ông Đinh Văn Sang khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng ga Sài Gòn - cho biết:
Những hành khách đã mua vé nhưng vì lý do nào đó không đi nữa muốn chuyển cho người thân trong gia đình thì phải chứng minh được người thân (thông qua giấy tờ khai sinh, hộ khẩu hoặc công văn của đơn vị đối với vé mua tập thể), lúc đó lãnh đạo ga sẽ xem xét giải quyết chuyển đổi tên tùy trường hợp cụ thể. Còn lại sẽ không giải quyết chuyển đổi tên, CMND người này sang người khác, nhằm tránh tiếp tay cho “cò” mua vé với tên người này rồi bán cho người khác để thu tiền chênh lệch. Nếu khách mua vé rồi không đi nữa thì làm thủ tục trả lại vé cho ga theo quy định…