Trước tòa, Hoàng Thị Yến (SN 1968, HKTT tại khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) bị VKSND TP Hà Nội cáo buộc phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 140-BLHS. Trong một thời gian dài, Yến đã lần lượt vay mượn tiền bạc, nhờ mua sắm hộ tài sản và mua hàng hóa chịu của nhiều người quen với tổng số tiền lên đến hơn 6,6 tỷ đồng. Vậy nhưng khi đáo hạn, chị ta lại không chịu thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Sau một thời gian bỏ trốn, ngày 2/10/2012, Yến đã bị lực lượng công an bắt về quy án theo lệnh truy nã.
Bị hại đầu tiên dưới tay Yến là bà Vũ Thị Loan (SN 1963), trú ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. Tại tòa, bị hại này khai quen biết Yến từ năm 2005, thời điểm ấy chị ta tỏ ra là người rất đàng hoàng và khá sung túc. Trong một lần gặp nhau, Yến đánh tiếng rằng đang muốn mua một chiếc ô tô thật xịn để dễ “tạo thế” hơn trong việc kinh doanh và vay bà Loan 600 triệu đồng. Ngày 24/6.2006, bà Loan lấy đủ số tiền trên của gia đình đưa cho Yến vay và không quên giao hẹn sau 4 tháng phải trả. Sau đó, thỉnh thoảng bà Loan vẫn gặp Yến, nhưng cứ mỗi lần nhắc đến chuyện mua ô tô thì chị ta lại liến thoắng rằng đang chờ xe về. Đáo hạn, bà Loan đòi Yến tiền, nhưng chị ta lần khân không trả. Nói lại chuyện mua xe hơi, Yến xổ toẹt vì giá xe lên cao nên chị ta không mua nữa. Bà Loan hỏi về số tiền vay mượn thì Yến lấp lửng trả lời đã ăn tiêu hết. Và cũng kể từ lần gặp gỡ ấy, bà Loan không biết Yến chuyển đến đâu sinh sống, điện thoại thì không thể liên lạc được.
Tiếp sau bà Loan, bà Phạm Thị Tuyết Hạnh (SN 1960, trú ở khu Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng) cũng nhanh chóng trở thành nạn nhân thứ hai của Yến. Trên thực tế, bà Hạnh không hề quen biết Yến nên phải thông qua anh Vũ Ngọc Phương (trú ở thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, Hà Nam) bảo lãnh, bà mới dám cho bị cáo vay tiền. Khai báo với HĐXX, Yến kể cuối năm 2011, chị ta hỏi vay tiền của anh Phương, nhưng anh này nói không có tiền và sau đó sốt sắng giới thiệu bị cáo đến gặp bà Hạnh. Lý do Yến hỏi vay tiền là dùng số tiền ấy để “bôi trơn” cho cán bộ ngân hàng, hòng vay được hàng chục tỷ đồng để phục vụ việc kinh doanh, làm ăn.
Đoán biết thế nào anh Phương và bà Hạnh cũng căn vặn vay tiền của ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp nên Yến trả lời ngay chị ta sẽ dùng ngôi nhà của một người bạn ở phường Khương Trung, quận Đống Đa làm vật bảo đảm. Mặc dù chỉ biết sơ qua về Yến, nhưng bà Hạnh vẫn quyết định cho “khách hàng” vay tiền với điều kiện trên giấy tờ, người ký nhận nợ phải là anh Phương. Sau khi được anh Phương đồng ý, từ tháng 12/2011 đến tháng 2/2012, bà Hạnh đã nhiều lần cho Yến vay tiền thông qua người “môi giới” với tổng số tiền lên đến 3,4 tỷ đồng. Sau mỗi lần nhận tiền từ tay bà Hạnh, anh Phương đều chuyển hết cho Yến. Ngày 20/2/2012, bà Hạnh cùng anh Phương và Yến làm giấy chốt nợ với nhau ở con số 3 tỷ đồng… Về khoản tiền vay của bà Hạnh, Yến vẫn một mực trình bày là chị ta vay giúp một người bạn người Trung Quốc để anh này mua một căn biệt thự ở Đà Nẵng. Thế nhưng quá trình điều tra, cơ quan công an không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào để có thể tin rằng lời khai của bị cáo là sự thật.
Ngoài 2 bị hại kể trên, từ năm 2004 đến 2008, Yến còn mua hàng hóa chịu, vay tiền của gia đình bà Trương Thị Thanh Thủy (SN 1966, ở quận Hoàn Kiếm) và nhờ bà Hán Hương Huyền (SN 1973, trú tại quận Hai Bà Trưng) mua sắm hộ nhiều tài sản giá trị, đồng thời cũng vay mượn tiền bạc của bà này với tổng số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Tại tòa, Yến thừa nhận tất cả những lời tố cáo của 4 bị hại trong vụ án. Tuy nhiên, khi nói về số tiền đã chiếm đoạt của họ, Yến lại trả lời một cách ráo hoảnh: “Bị cáo đã ăn tiêu hết rồi”. Giữ quyền công tố tại tòa, đại diện VKS khẳng định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Đồng tình với quan điểm của VKS nên sau một ngày xét xử (5/7), TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Hoàng Thị Yến tù chung thân, theo đúng tội danh bị cáo buộc.