Vàng thế giới để tuột cơ hội nâng giá tiếp

Tình hình kinh tế yếu kém của Mỹ, Trung Quốc giữa lúc khủng hoảng nợ leo thang tại châu Âu tiếp tục tác động đa chiều lên các sàn hàng hóa quốc tế trong phiên 4/6. Mặc dù đồng USD suy yếu, song giá vàng lỡ nhịp tăng giá.

Dầu thô tăng trở lại

Chốt phiên giao dịch 4/6, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 7 trên sàn New York tăng 75 cent, tương ứng 0,9%, lên 83,98 USD/thùng. Mức tăng này chưa thấm vào đâu so với lần giảm hơn 3% cuối tuần trước. Biên độ dao động của giá dầu kỳ hạn loại này trong ngày 4/6 là từ thấp nhất 81,21 USD/thùng cho tới cao nhất 84,24 USD/thùng.

Một số chuyên gia phân tích cho biết, có vẻ như đã bắt đầu xuất hiện một số nhà đầu tư nắm bắt cơ hội giá thấp để mua vào. Tuần trước, giá dầu thô hợp đồng giao sau đã giảm 8,4%, trong khi cả tháng 5 giảm 17%. Thêm vào đó, chỉ số USD giảm nhẹ xuống 82,552 điểm từ mức 82,878 điểm trước đó cũng góp phần hỗ trợ cho giá dầu.

Tuy nhiên, những tin xấu về kinh tế Mỹ, Trung Quốc công bố trong ngày đã chặn đứng đà tăng của giá dầu thô phiên đêm qua. Cụ thể, đơn đặt hàng các nhà máy của Mỹ trong tháng 4 giảm 0,6%, ngược với dự báo tăng của giới phân tích, trong khi chỉ số quản lý sức mua khu vực phi sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 giảm còn 55,2 điểm.

Tại sàn giao dịch hàng hóa London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc giao tháng 7 cũng tăng được 42 cent lên chốt ngày 98,85 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent đã rớt thẳng xuống mức 96 USD mỗi thùng.

Ngược chiều với dầu thô, chốt ngày 4/6, giá xăng giao tháng 7 tăng 0,5% lên 2,67 USD/gallon. Dầu sưởi giao cùng kỳ hạn đứng ở ,63 USD/gallon. Khí tự nhiên giao tháng 7 tăng 9 cent, tương ứng 3,8%, lên 2,42 USD/ triệu BTU. Phiên cuối tuần trước, giá khí tự nhiên loại hợp đồng giao sau đã giảm 4%. Hiện giá khí giảm 5/6 phiên gần đây.

Tình hình kinh tế yếu kém của Mỹ, Trung Quốc giữa lúc khủng hoảng nợ leo thang tại châu Âu tiếp tục tác động đa chiều lên các sàn hàng hóa quốc tế trong phiên 4/6.

Vàng giảm giá nhẹ

Trên thị trường kim loại quý, cũng xuất phát từ sự ảnh hưởng của những tin tức kinh tế yếu kém từ Mỹ, Trung Quốc, giá vàng giao sau đã giảm nhẹ. Cụ thể, giá vàng giao tháng 8 ở bộ phận Comex trên sàn New York giảm 8,2 USD, tương ứng 0,5%, xuống 1.613,90 USD/ounce. Trong phiên, giá dao động từ 1.610 cho tới 1.629,7 USD/ounce.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, sau khi giá vàng đột ngột tăng mạnh vào cuối tuần trước rồi giảm nhiệt trong vài phiên đầu tuần mới là "chuyện bình thường", nhất là khi thị trường liên tục biến động dữ dội trong vài tháng qua. Do đó, khả năng giới đầu tư vàng quốc tế sẽ tìm cách xả hàng ở mức giá được cho là cao sau những phiên giảm vừa qua.

Cùng đi xuống với giá vàng, giá bạc giao tháng 7 đóng cửa ngày 4/6 ở mức giá 28,01 USD/ounce, giảm 51 cent, tương ứng 1,8%. Bạch kim giao tháng 7 giảm 5,9 USD, tương ứng 0,4%, xuống 1.427,30 USD/ounce. Palladium, kim loại "chị em" với bạch kim, cũng giảm 10 cent, tương ứng 0,1%, xuống chốt ở mức 613,9 USD mỗi ounce.

Giá nông sản trồi sụt

Trên thị trường nông sản, chốt ngày giao dịch 4/6, giá cacao quốc tế loại hợp đồng giao sau đi ngang ở mức giá 2.094 USD/tấn. Giá đường thô thế giới giảm 1%, xuống còn 18,9 cent/lb. Giá ngô giảm nhẹ 0,22% xuống 566,75 cent mỗi bushel. Trong khi giá cà phê arabica tăng nhẹ 0,95 cent, tương ứng 0,6%, lên chốt ở mức 158,45 cent/lb.

Giá đậu tương loại kỳ hạn tăng 2,5 cent, tương ứng 0,2%, lên mức 1.270,5 cent/bushel. Giá yến mạch tăng 1,5 cent, tương ứng 0,52%, lên chốt phiên 4/6 ở giá 289 cent/bushel. Giá gạo chưa xay, xát trên sàn CBOT tăng 0,51% lên mức 13,83 USD/cwt. Giá len tương lai đứng vững ở vùng giá 1.270 cent/kg trên sàn SFE.