Vấn đề chủ quyền biển đảo trong đề thi tốt nghiệp môn Văn

Đề cập trực tiếp đến việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đề thi môn Văn đã làm "nóng" trường thi tốt nghiệp THPT.

Ở phần thi văn tốt nghiệp THPT đọc hiểu, đề thi trích dẫn một đoạn trong bài viết Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước của tác giả Nguyễn Thế Hanh đăng trên báo Giáo dục và Thời đại số ra ngày 15/5/2014: “Những ngày đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam, có những hành động hung hăng cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Trước tình hình đó, trái tim của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ở trong nước, hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới luôn nóng bỏng hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa và Trường Sa, dõi theo từng tin tức được truyền đi từ hiện trường vụ việc.

Những ngày qua, chúng ta lại một lần nữa chứng kiến tinh thần yêu nước trong mỗi một người dân Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài, thể hiện sự đoàn kết trong quyết tâm bảo vệ vùng biển, đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, lên án mạnh mẽ những hành động sai trái, phi lý của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt, nhận định những sự kiện đang diễn ra trên Biển Đông để có hành động phù hợp
.”

Đề thi tốt nghiệp THPT yêu cầu thí sinh đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau: 

1. Nêu những ý chính của văn bản

2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.

Việc dùng các từ được gạch dưới trong câu: “Những ngày đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đạt giàn khoan HD 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam, có những hành động hung hăng cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982” Có hiệu quả diễn đạt như thế nào?

3. Viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của thí sinh về sự kiện trên.

Trước đó, thông tin nóng ở Biển Đông đã liên tục xuất hiện trong các đề thi, nhất là đề thi thử vào đại học môn văn, ở các trường trung học phổ thông trên cả nước.

Tại Hà Nội, học sinh trường Trung học phổ thông Chu Văn An sục sôi với đề ôn luyện ngữ văn của tiến sỹ Trịnh Thu Tuyết khi đề thi nêu vấn đề Trung Quốc Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) cùng nhiều tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam và yêu cầu “anh/chị hãy viết một bài luận khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về chủ quyền dân tộc.”

Tương tự, tại trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, đề thi thử đại học môn ngữ văn của hai khối C và D cũng đề cập đến vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam và yêu cầu “hãy viết bức thư gửi cho một bạn trẻ Trung Quốc để trình bày những chính kiến riêng của mình về sự kiện trên.”

Theo thầy Phan Thế Toàn, Tổ trưởng Tổ văn, trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, đây là sự kiện được người dân cả nước quan tâm và học sinh cũng không ngoại lệ. Tại thành phố Huế, dù đề thi môn văn học kỳ 2, khối lớp 7, chỉ có câu hỏi chung: “Hãy viết bài văn nghị luận để làm rõ ý nghĩa của câu tục ngữ: ‘Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ nhưng vấn đề Biển Đông vẫn nóng trong hàng loạt bài làm của học trò.