Vắc xin phòng chống cúm H7N9 sắp được tung ra thị trường

Vaccine phòng chống cúm H7N9 đang được tiến hành thử nghiệm. Nếu thành công, khoảng 2 tháng nữa loại vắc xin này sẽ được tung ra thị trường.

Trước tình hình cúm gia cầm H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và một số các quốc gia trong khu vực, ngày 7/3, một chuyên gia y tế hàng đầu của Trung Quốc lên tiếng trấn an dư luận, đồng thời khẳng định vắc xin dành cho loại cúm này sẽ có mặt tại thị trường sớm nhất là khoảng 2 tháng nữa.

Loại vắc xin này được các nhà nghiên cứu ở Thượng Hải tạo ra theo công nghệ di truyền đã vượt qua cuộc thử nghiệm ban đầu trên chuột.

Các nhà nghiên cứu cho biết, 30 con chuột đã sống sót và có xét nghiệm âm tính với virus cúm H7N9 sau 1 tháng được tiêm vaccine. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục thử nghiệm hiệu quả của loại vaccine này với con người trước khi chính thức đưa vào sử dụng.

Bà  Li Lanjuan, chuyên gia tại Học Viện kỹ thuật Trung Quốc cho biết, hiện vaccine phòng chống cúm H7N9 đang được giao nộp cho cơ quan kiểm soát thuốc của Trung Quốc để tiến hành thử nghiệm.

Theo ông Zhong Nanshan, người đứng đầu ban phòng chống cúm gia cầm H7N9 của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), hiện tại chưa có dấu hiệu bùng phát lây lan của virus cúm H7N9 và cũng không có bằng chứng chắc chắn cho việc virus cúm này có thể lây lan từ người sang người mà nguồn gốc chính của dịch bệnh là từ thị trường gia cầm.

Ông Zhong Nanshan, Trưởng nhóm chuyên gia phòng chống H7N9 tỉnh Quảng Đông cho biết: “80% các trường hợp lây nhiễm H7N9 đều liên quan tới các chợ gia cầm và tôi nhấn mạnh rằng đó là do các chợ gia cầm chứ không phải do gia cầm. Khi virus H7N9 biến đổi và có khả năng lây lan từ người sang người, vắc xin phòng bệnh sẽ có một vai trò cực kì quan trọng. Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị và sẽ sản xuất vaccine H7N9 trên quy mô lớn”.

Theo thống kê chính thức, virut cúm H7N9 đã lây nhiễm hơn 120 người ở Trung Quốc trong đó có 36 ca đã tử vong tính từ đầu năm tới nay.

Nạn nhân mới đây nhất là một ông già 75 tuổi tử vong vào cuối tuần qua tại Quảng Châu.

Song song với việc kiểm soát buôn bán gia cầm sống nhằm hạn chế sự lây lan của virus, chính quyền Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu phương pháp phòng chống và điều trị cúm H7N9.