Đó là tình trạng thẻ phạt, nhất là thẻ đỏ tăng cao. Vì thông thường vào cuối mùa giải, tính chất tranh chấp, sự quan trọng của các trận đấu sống còn gia tăng, đội bóng nào cũng muốn đạt được mục tiêu giành điểm, giành thắng lợi nên sẽ không ngại chuyện chơi cứng rắn, thậm chí thô bạo để đạt được mục tiêu. Số thẻ phạt tăng cao sẽ là điều dễ hiểu và việc này đặt ra cho các trọng tài, giám sát những tình huống và phương án phòng ngừa. Có thể là các giám sát khuyến cáo trước trận đấu, trọng tài lưu ý nhắc nhở hai đội trước giờ bóng lăn…
V-league chứa đựng nhiều rủi ro ở các vòng đấu cuối.
Kế đến là chuyện tiêu cực, móc ngoặc, mua bán điểm số sẽ diễn biến “sôi động” giữa các đội bóng, giữa các cá nhân bên ngoài với đội bóng, mà đơn cử là nghi án cựu cầu thủ Sài Gòn FC Nguyễn Thành Trung gọi điện định móc nối với tiền vệ Thanh Hải và hậu vệ Nhật Tân (Đồng Tâm Long An) nhưng không thành. Sẽ còn bao nhiêu vụ dự định móc ngoặc như thế? Bao nhiêu trường hợp trung thực báo cáo lại vụ việc như hai cầu thủ Hải và Tân?
Cuối cùng, những phản ứng quá khích của khán giả, cổ động viên núp dưới danh nghĩa ủng hộ đội bóng, nhưng thực chất là phá hủy bóng đá, gây khó khăn cho đội bóng trong giai đoạn cuối của mùa giải, khi mà chuyện lên xuống hạng đang tính từng trận, từng ngày, có tính sống còn.
Chúng ta còn nhớ hình ảnh ở vòng cuối giải ngoại hạng Anh (vòng 38 Premier League), khi Blackburn chính thức xuống thi đấu ở mùa giải tới, một cầu thủ của đội đi vòng sân vẫy tay tạm biệt cổ động viên của mình, thì mọi người cùng đứng bật dậy khỏi ghế cùng vỗ tay đồng cảm với cầu thủ. Hành động đó là văn hóa bóng đá, là biết chia sẻ với thất bại của đội nhà, để cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Ngược lại, cổ động viên bóng đá Việt Nam không có “thói quen” đó và luôn gây khó cho đội nhà mỗi khi đến sân bóng. Vấn đề này ban tổ chức giải cần lưu ý, đặc biệt ở mấy vòng cuối, nếu không muốn để xảy ra những tình huống đáng tiếc hơn.
Bên cạnh việc dự báo trước, ra những khuyến cáo có tính thông báo, VFF và ban tổ chức giải cần có những biện pháp xử lý mạnh để răn đe, giáo dục, chứ không làm theo kiểu “giơ cao đánh khẻ”, thiếu tính thuyết phục.