Ngày đầu về làm dâu, chị Diễm (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) đã được một phen tá hỏa. Trong khi chồng và bố mẹ chồng chưa ý kiến gì thì em trai chồng đã “đánh phủ đầu” chị: “Làm dâu nhà em phải sạch sẽ, gọn gàng đấy!”.
Nghĩ em chồng trêu đùa mình thôi, chị cũng chỉ cười cười không nói gì. Em trai chồng năm nay gần 30 tuổi rồi nhưng vẫn lông bông lắm. Chú ta cũng đã đi làm vài nơi nhưng chỗ nào cũng chê ỉ chê ôi, làm một thời gian ngắn lại bỏ. Hiện tại đang ở nhà chờ bố mẹ sắp xếp, xin việc cho.
Em trai chồng không làm ra tiền nhưng tiêu tiền thì thành thần. Bố mẹ chồng chị đều có lương hưu, hàng tháng vẫn trích ra một khoản cho cậu ta gọi là… tiêu vặt. Cu cậu tiêu hết thì lại vòi anh trai, hết nữa lại quay ra văn vở vay chị dâu. Mới về làm dâu, em chồng mở lời vay chả lẽ lại tính toán, nhưng các khoản vay ấy cứ một đi không trở lại.
Vợ chồng chị lương cũng chả nhiều nhặn gì, vô số khoản chi tiêu, còn đóng tiền ăn với bố mẹ chồng, thế mà mỗi tháng vẫn phải mất một cơ số với cậu em trai chồng. Có lần, chị còn nghe thấy chàng ta nói chuyện điện thoại với bồ: “Không thèm trả, để tiền đấy đưa em đi ăn đi chơi cho sướng!”. Chị Diễm nghe được tức lắm, quyết định từ giờ không có vay mượn gì hết.
Không xin được tiền chị dâu, cậu chàng bất mãn, quay ra xét nét, soi mói chị và thành chuyên gia nói xấu chị với mẹ chồng.
Mỗi lần nhìn thấy chị, chả được câu chào nào hẳn hỏi, cái mặt thì cứ khinh khỉnh như căm ghét chị lắm ấy! Khiếp khủng hơn nữa, chị liên tục nhận được 1 đống tin nhắn “dạy bảo” của em chồng gửi cho mình. Quái lạ, trước mặt mọi người thì chả nói bao giờ, nhưng cứ nhằm buổi sáng chị ở công ty là gửi tin nhắn khủng bố chị.
Những tin nhắn trống không và sặc mùi “khiêu chiến” khiến chị nhiều lúc tức "ói máu": "Bát hôm qua rửa vẫn dính dầu mỡ đấy, lần sau rửa cho hẳn hoi vào!”, “Món thịt kho hôm qua nhạt nhẽo thế, có biết nấu ăn không vậy?”, “Đừng có mà ngâm bát đấy, ăn xong phải rửa luôn chứ, người đâu mà bẩn!”, “Quần áo cả nhà thay ra xong chị phải giặt luôn đi chứ, để sáng ra mới giặt thì ai ngửi nổi?”, “Sao hôm qua không về giỗ cụ, con ốm thì cũng phải cố mà đi chứ? Làm con cháu mà bất hiếu thế à?”...
Ban đầu chị cũng lịch sự giải thích rằng: “Chị bận công việc lại có cháu nhỏ, mệt mỏi nên nhiều lúc cũng không chú ý được!”, thì hắn bổ lại ngay: “Làm văn phòng có quái gì mà mệt, đã lười lại còn ngụy biện!”.
Khi chị cho chồng mình đọc tin nhắn dạy bảo của em trai chồng, chồng chị lại bảo: “Em nó nói thế để em rút kinh nghiệm thôi mà, không tiếp thu lại còn khó chịu cái gì?”, khiến chị càng chán nản.
Ôi, cứ nghĩ sống chung với em trai chồng thì sẽ dễ chịu hơn “giặc bên Ngô” nhưng ai ngờ, “ông mãnh” bên chồng nhà chị chỉ có hơn chứ không kém các bà cô tai quái nhất.
Chị Thưởng (TP HCM) cũng chung hoàn cảnh khi phải chịu đựng độ quái thai của em trai chồng mà chưa nghĩ ra được biện pháp đối phó.
Bố mẹ chồng chị đều ở quê nên khi lấy chồng, chị không phải làm dâu. Nhưng anh chị phải nhận trách nhiệm trông coi, chăm sóc cậu em chồng 27 tuổi do đích thân bố mẹ chồng gửi gắm, nhờ vả.
Cậu ta đang thất nghiệp, cả ngày chỉ ăn rồi đi chơi. Chỉ hỏi thăm tình hình công việc thì lúc nào cũng ậm ừ: “Đang kiếm!”. Nhưng cái “đang” ấy đã được gần một năm rồi.
Tiền ăn anh chị cũng không nỡ bảo cậu ấy góp, nhưng đến tiền tiêu vặt anh chị cũng phải “đài thọ” nốt. Mỗi lần xin tiền đều lí lẽ: “Con trai mà, ra đường không có tiền trong người thì sao được!”. Nhiều lần quá, chị nhắc nhở chồng thì anh bảo: “Mình giúp nó cũng như báo đáp bố mẹ vậy!”.
Vừa được ăn chơi nhàn hạ, vừa có tiền tiêu, thảo nào mà chú ta chẳng muốn đi làm. Đi chơi thì thôi nhưng về nhà cũng không bao giờ giúp được chị việc gì, quần áo cũng chất đống ở đấy chờ chị giặt. Có hôm con nhỏ quấy khóc, chồng thì chưa về, chị không thể nấu cơm được. Em chồng vẫn thản nhiên nằm xem tivi đợi chị cho cháu ngủ xong thì tự đi nấu cơm. Chồng về thấy chưa có cơm lại mắng chị nọ kia. Nghĩ mà tức!
Nhiều khi chị phàn nàn với chồng thì chồng kêu chị ích kỉ, nhỏ nhen, đi chấp vặt với em trai chồng.
Khi tức quá, chị có góp ý với chàng ta vài câu, kiểu như em nên năng động trong chuyện kiếm việc hơn, ban đầu chịu khó chịu khổ một chút… Ấy thế mà, chả hiểu sao đến tai bố mẹ chồng chị thì lại thành chị đối xử tệ bạc với cậu ta. Vì không ở cùng nhau nên em nó nói cái gì ông bà ở quê lại tin xái cổ, tức tốc gọi điện lên hỏi tội chồng, khóc lóc ầm ầm: “Bố mẹ chỉ có 2 anh em con thôi, con thành đạt rồi, không lo được cho em, không dạy được vợ để nó không coi em con ra gì thế à?”.
Chồng quay sang luận tội chị. Chị Thưởng thanh minh: “Anh cũng ở cùng nhà, em thế nào anh biết rồi còn gì!”.
“Thế chả lẽ chú ấy lại bịa đặt cho em, đàn ông con trai ai làm cái trò đó? Những lúc anh không ở rất nhiều đấy!” – chồng chị lí luận. Ý anh là, sau lưng anh chị vẫn lén đối xử tệ với em chồng chắc? Chị điên tiết quá gắt lên: “Vâng, đàn ông con trai ai làm thế? Nhưng em anh có phải đàn ông đâu, còn hơn cả đàn bà ấy chứ!”.
Thế là vợ chồng lại cãi nhau. Thấy anh chị cãi nhau, trước mặt chồng chị thì em chồng giở giọng khuyên anh trai bỏ qua cho chị, nhưng chồng vừa quay lưng đi thì lại nhìn chị cười mỉa mai.
Bây giờ mỗi lần về nhà, nhìn thấy mặt em chồng là chị vội tránh thật xa, không dây dưa liên quan gì hết cho nhẹ nợ.