Uber cầu cứu Liên minh châu Âu sau khi bị Pháp cấm

Uber thường thâm nhập thị trường với tốc độ rất nhanh, thu hút người dùng và lái xe, sau đó dồn lực tài chính để "đi đêm" và thuê luật sư giải quyết các vụ kiện tụng.

Uber Technologies là một công ty taxi thời hiện đại, hay đơn thuần là một "dịch vụ thông tin"?

Đây là câu hỏi mà Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải trả lời, sau khi nhận được đơn khiếu nại từ phía Uber. Công ty kêu gọi EU ngăn chặn quy định mới của Pháp, trong đó cấm hãng đặt taxi qua điện thoại được hoạt động trên lãnh thổ quốc gia này vào năm 2015.

Theo lập luận của Uber, Pháp chưa thông báo chính thức với EU trước khi ban hành luật. Việc làm này là trái với quy định của EU, trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên báo cáo trước khi ban hành các luật lệ nhằm vào dịch vụ cung cấp thông tin.

Đây là một động thái phù hợp với chiến lược truyền thống của công ty công nghệ trụ sở California.

Uber thường thâm nhập thị trường với tốc độ rất nhanh, thu hút người dùng và lái xe, sau đó dồn lực tài chính để "đi đêm" và thuê luật sư giải quyết các vụ kiện tụng trên tòa.

"Chúng tôi sẽ làm mọi việc để bảo vệ công ty. Liên minh châu Âu có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích cho cả người dân và những doanh nghiệp hoạt động trong khu vực", đại diện của Uber tại châu Âu khẳng định.

Thủ đô Paris của Pháp là thành phố đầu tiên tại châu Âu được Uber cung cấp dịch vụ. Trước đó, một tòa án tại Paris đã phạt hãng 124.000 USD vì gọi UberPop là "dịch vụ đi chung xe", thay vì là "dịch vụ vận tải trả tiền".

Chính phủ Pháp cho rằng việc tài xế taxi Uber hành nghề không giấy phép là mối nguy hiểm cho hành khách đi xe. Chưa kể, loại hình taxi này còn thiếu phần bảo hiểm cho hành khách nếu xảy ra tai nạn.