U22 Việt Nam: Trong rủi có may

Thi đấu 3 trận, thua 2, thắng 1, U22 Việt Nam còn rất ít cơ hội giành vé đến vòng chung kết U22 châu Á. Thế nhưng, trong nỗi buồn vì không hoàn thành mục tiêu, người ta thấy những cơ hội lớn cho đội bóng đá trẻ Việt Nam.

Cơ hội đó chính là việc nhận ra mình đang ở đầu và cần phải thay đổi gì để có thể thành công ở SEA Games 27 được tổ chức vào năm tới.

Hạn chế lớn nhất của U22 Việt Nam chính là bản lĩnh trận mạc còn non kém. Điều đó thể hiện ở việc, hai lần U22 Việt Nam dẫn bàn trước Đài Loan (Trung Quốc) và Myanmar nhưng lại để đối phương ngược dòng thành công. Có nghĩa là các học trò của ông Lư Đình Tuấn không đủ bản lĩnh để tận dụng lợi thế và dẫn dắt trận đấu theo kịch bản mình viết sẵn. Trong những trận cầu quyết định, việc một đội bóng không biết tận dụng lợi thế, thậm chí rơi vào cảnh căng cứng khi đối thủ gỡ hòa là một điều tối kỵ.

Ai cũng biết, HLV Lư Đình Tuấn và trợ lý Đặng Trần Chỉnh là những người theo đuổi lối chơi phòng ngự phản công. Cơ sở xây dựng lối chơi này là phải có một hàng phòng ngự chắc chắn. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, mục tiêu xây dựng một đội bóng chắc chắn trong phòng ngự và biết chớp cơ hội ăn bàn vẫn chưa thành công.

Đến đây, giới chuyên môn bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng của HLV Lư Đình Tuấn. Là một HLV trẻ tài năng, nhưng hạn chế lớn nhất của ông Tuấn chính là kinh nghiệm, đặc biệt là với màu áo ĐTQG. Có thể, sau cú ngã ở vòng loại U22 châu Á, ông Tuấn sẽ có những bài học xương máu. Nhưng trong trường hợp ông không thể tiến bộ thì đó thật sự là bi kịch cho bóng đá Việt Nam tại SEA Games. Có lẽ sau giải đấu này, điều đầu tiên mà các nhà chuyên môn và quản lý tại VFF cần phải làm là tính toán lại vị trí của ông Lư Đình Tuấn. Nếu tiếp tục tin tưởng ông Tuấn thì cần phải có những biện pháp để nhà cầm quân này thích ứng với áp lực thành tích của U22 Việt Nam. Bằng không, thêm một lần nữa bóng đá Việt Nam sẽ phải trả giá bằng giấc mơ của mình.