Theo đó, Sở này nhấn mạnh không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các môn: Bồi dưỡng về nghệ thuật, Thể dục thể thao, Rèn luyện kỹ năng sống được áp dụng là khoản thu thỏa thuận.
Đối với các trường THCS, THPT, bổ túc THCS và bổ túc THPT trong các Trung tâm GDTX: Các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập căn cứ vào địa bàn hoạt động, năng lực giáo viên và số lượng học sinh đăng ký học thêm để thỏa thuận với phụ huynh học sinh và quyết định mức thu tiền dạy thêm, học thêm trên cơ sở thu bù đắp đủ chi phí và không vì mục tiêu lợi nhuận.
Thời gian học không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần cho tất cả các môn có dạy thêm học thêm. Sĩ số tối đa 45 học sinh/lớp.
Khoản thu dạy thêm học thêm do các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập tổ chức thu và sử dụng đúng mục đích vào các nội dung: Chi thù lao trực tiếp giảng dạy (không quá 65%); chi quản lý, tổ chức học thêm, phục vụ dạy thêm (không quá 15%);
Trả tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ việc dạy thêm, học thêm (hỗ trợ ngân sách chi thường xuyên của đơn vị).
Các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập phải thực hiện công khai mức thu theo quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản hiện hành.
Sở GD&ĐT TP HCM lưu ý, việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong các trường THCS và THPT thuộc địa bàn thành phố thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 3097/GDĐT-TrH của Sở GD&ĐT.
Nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi, đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, trên cơ sở tự nguyện.
Mức thu này được thu theo định kỳ hàng tháng, khi thu phải cấp biên lai thu tiền cho từng học sinh thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường. Tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
Việc tổ chức thu - chi tiền dạy thêm học thêm trong đơn vị phải được thống nhất đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường và đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.