Từ quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới: Hết thời gà cùng một mẹ?

LĐBĐVN không công nhận: Tổ chức, cá nhân sở hữu hai CLB, đội bóng trở lên tham gia trong cùng một giải đấu.

Bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới có 16 điểm sửa đổi, bổ sung so với bản cũ 2011, trong đó quy định về việc sở hữu và chuyển đổi chủ sở hữu CLB, đội bóng có thể chấm dứt tình trạng một ông chủ ôm hai đội bóng từng là một đề tài tranh cãi không có lối ra.

Theo đó, Điều 14 nêu rõ: “LĐBĐVN không công nhận: Tổ chức, cá nhân sở hữu hai CLB, đội bóng trở lên tham gia trong cùng một giải đấu; Tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với nhiều CLB tham gia quản lý, điều hành nhiều CLB, đội bóng thi đấu trong cùng một giải đấu”. Quy định này còn có nhiều điều khoản rất chi tiết để xác định thêm sự tác động của ông chủ đến CLB, chẳng hạn: Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp...

Với quy chế mới, ông bầu Đỗ Quang Hiển không còn cơ hội “ôm“ cùng lúc hai đội bóng Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng nữa.

Chiếu theo Điều 14 thì rõ ràng sự quan hệ trực tiếp hay gián tiếp của ông bầu Đỗ Quang Hiển (qua việc thưởng tiền, bãi nhiệm, bổ nhiệm nhân sự...) đối với Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng là vi phạm quy chế mới.

Một điểm quan trọng khác của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 gây tranh luận trong thời gian qua chính là quy định đặt tên, cờ, biểu tượng của CLB không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên, cờ, biểu tượng của CLB khác đã tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp; được đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật và phải thông báo bằng văn bản cho LĐBĐVN và đơn vị tổ chức giải.

Dấu hiệu rắc rối về việc đặt tên CLB đã nảy sinh từ đầu mùa giải này khi ông bầu Nguyễn Đức Kiên đổi tên đội bóng rớt hạng Hà Nội ACB của mình thành Trẻ bóng đá Hà Nội. Trong khi đó, bầu Hiển có trước một đội bóng đá giải hạng nhất là Hà Nội. Ngoài ra, bầu Kiên còn có một đội CLB bóng đá Hà Nội đang chơi ở V-League rất dễ gây nhầm lẫn và việc này là trái với quy chế mới ban hành.

Chính vì các giải đấu còn gặp nhiều trở ngại do người trong cuộc gây ra, giới hâm mộ cần lắm những nhà cầm cân nảy mực sẽ công tâm và minh bạch hơn với việc lập lại trật tự, đừng để tình trạng con gà tức nhau tiếng gáy làm hỏng luật do mình đề ra.

Quy chế mới và lương của cầu thủ bị khống chế chỉ còn tối đa 15 triệu đồng/tháng

+ Từ mùa giải 2014, các CLB tham gia V-League và giải hạng nhất phải có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hoặc học viện bóng đá bao gồm các lứa tuổi từ U-11 đến U-19 (U-11, U-13, U-15, U-17, U-19).

+ CLB phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu là 25 tỉ đồng/năm (đối với giải V-League) và tối thiểu là 15 tỉ đồng/năm (đối với giải hạng nhất). Từ mùa giải 2013, các CLB phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu là 40 tỉ đồng/năm (V-League) và tối thiểu là 25 tỉ đồng/năm (hạng nhất).

+ Từ mùa giải 2013, những CLB không đảm bảo cân bằng thu - chi phải chuyển xuống thi đấu ở hạng có mức kinh phí phù hợp nếu: Lỗ hai năm liên tiếp; không chứng minh được khả năng tài chính để duy trì hoạt động của CLB.

+ Lương của HLV và cầu thủ theo thỏa thuận trong hợp đồng tham gia V-League đạt mức tối thiểu 10 triệu đồng/người/tháng và giải hạng nhất là 6 triệu đồng/người/tháng. Từ mùa giải 2013, lương của HLV và cầu thủ thi đấu tại V-League là 15 triệu đồng/người/tháng và hạng nhất là 10 triệu đồng/người/tháng.

+ Hằng năm, CLB có thành tích đóng góp từ năm cầu thủ trở lên trong một đợt triệu tập được đăng ký trong danh sách chính thức của đội tuyển quốc gia hoặc Olympic tham dự các giải thi đấu quốc tế chính thức (FIFA, AFC, AFF) sẽ được LĐBĐVN xem xét hỗ trợ kinh phí từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng cho công tác đào tạo, phát triển cầu thủ trẻ.

+ Cầu thủ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. Cầu thủ đang trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự mà chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự vẫn được phép ký hợp đồng thi đấu bóng đá chuyên nghiệp. CLB có trách nhiệm tạo điều kiện để cầu thủ thực hiện nghĩa vụ quân sự kể cả khi hợp đồng ký giữa cầu thủ với CLB còn hiệu lực.