Ngày 7/4, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai - thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu tăng lên kể từ ngày 1/5 (xăng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 đồng lên 1.500 đồng/lít). Bộ Tài chính sẽ điều hành các công cụ như sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu... để giá bán xăng dầu không biến động đột ngột.
Theo bà Mai, từ ngày 1/1/2015, thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước mà Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do (Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN) giảm mạnh. Trong đó xăng không quá 20% và các loại dầu tối đa là 5%, trong khi thuế nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác đối với xăng 35% và dầu 30%.
Do đó, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp tập trung nhập khẩu mặt hàng này từ các thị trường có áp thuế ưu đãi đặc biệt.
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu tăng lên kể từ ngày 1/5, trong đó xăng
tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 đồng lên 1.500 đồng/lít.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về tỉ trọng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu từ thị trường được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, bà Mai cho biết, trong quý 1 chỉ chiếm 0,08% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, rất khó để giữ giá xăng dầu từ ngày 1/5, do thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên 300% so với hiện nay.
Để thị trường tránh cú sốc do tăng giá xăng dầu, theo ông Long, Bộ Tài chính phải giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.
“Với mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng quá lớn, việc dùng quỹ bình ổn để giữ ổn định giá xăng dầu là không thuyết phục. Có chăng đây chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi”, ông Long nói.
Theo ông Long, số dư quỹ bình ổn xăng dầu không lớn và không ổn định, nhất là có một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối còn bị âm quỹ. Mặt khác, mức trích quỹ bình ổn đối với xăng là 300 đồng/lít, trong khi mức sử dụng quỹ lên tới 1.020 đồng/lít.
Trong tờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính khẳng định, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ không ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Doanh nghiệp và người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến năm 2015 đạt khoảng 35.580 tỷ đồng, tăng khoảng 23.720 tỷ đồng so với năm 2014.