Dân chơi bóng Việt Nam thường vào các trang 1bet…, 3in1… để đặt cược và thường phải chịu mất nhiều “lai” hơn so với các giải vô địch quốc gia châu Âu.
Công nghệ trực tiếp từ khán đài
Cách đây hơn hai mùa bóng, trang cá cược của nhà cái đặt tại Macau luôn cập nhật ít nhất ba trận V-League nhưng khi đặt cược, máy rất dè dặt với số tiền lớn hoặc không “ngậm” vì trùng với kèo thắng của nhà mạng. Đơn giản những ông trùm có “tuy-dô” từ các đội bóng và thường chỉ “luộc” được các con bạc khát nước mà thiếu thông tin.
Các giải giao hữu quốc tế giải lớn của các đội tuyển Việt Nam có tính phổ biến hơn mới dễ dàng cho những tay cờ bạc châu Á kiếm chác. Thế nhưng các giải này rất kén tay chơi bởi nhà cái ăn “lai” quá cao, thường là đặt 10 ăn bảy và thậm chí chỉ có năm. Chiêu này sẽ khống chế con bạc đổ tiền vào nhiều dễ “cháy kèo” và giúp cho nhà cái “ngửi” ra mùi có thể bị “lật kèo”, khác hẳn với các giải quốc tế châu Âu chuyên cho lựa (ăn 9,5).
Các trận bóng trên sân cỏ Việt Nam giờ cũng sáng đèn trên khung bạc của nhà cái (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: XUÂN HUY
Mỗi cuối tuần trên các sân cỏ lớn như Hà Nội và TP.HCM thường có các “điện thoại viên” ngồi cập nhật kèo “tang” (diễn biến từng giây, từng tình huống trên sân) hoặc chơi mỗi hiệp, còn các trận khác chỉ cho kèo cả trận vài phút trước khi bóng lăn thì ngưng. Các “điện thoại viên” này gần như là người nhà của chủ mạng và phải tin cậy lắm mới được ngồi tường thuật trực tiếp để nhà cái “nhảy kèo”.
Trên các trang chủ của nhà cái này luôn có một màn hình vệ tinh tường thuật trực tiếp các trận đấu đang diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, thông tin hình ảnh qua mạng hoặc qua truyền hình trong nước đang trực tiếp luôn chậm hơn vài giây so với việc ngồi xem trên sân. Vì thế, số tiền phải trả cho các thông tín viên điện thoại trực tiếp này không nhỏ chút nào.
Từ dích dắc trên, giới cầu thủ bây giờ không “nai” như hồi trước mỗi lần đánh cược phải điện thoại qua “cò”. Họ chơi rất chuyên nghiệp và còn được các nhà cái tin tưởng cho tài khoản chơi trực tiếp trên mạng thanh toán tiền sau mỗi tuần hoặc được giãn nợ rồi tính lãi theo ngân hàng.
Những canh bạc từ “kèo” cầu thủ nhà
Mùa bóng 2010, các phóng viên từng nhận đoạn ghi âm của một con bạc đang kỳ kèo ngã giá với thủ môn của đội hạng nhất miền Đông Nam Bộ. Cái giá của thủ môn này đưa ra là 500 triệu đồng cho một trận thua, do mắc nợ chơi bóng World Cup quá nhiều. Tuy nhiên, kèo này cuối cùng bị hủy vì con bạc không tìm đâu ra người chơi để “bán”.
Người dân ở gần nơi đóng quân của đội bóng đàn anh này còn nhiều lần chứng kiến cầu thủ vác bao tiền ra chung độ. Giới bóng đá thì không lạ chuyện cầu thủ trốn nợ hoặc phải xin chuyển đội liên tục để kiếm tiền lót tay trả nợ. Thế nhưng cầu thủ này vẫn có tên trên đội tuyển và trong nhiều trận đấu hay có biểu hiện rất lạ khi phá bóng ra biên ngang, biên dọc không cần thiết mà các tay chơi gọi đấy là phát “tài”.
Năm ngoái, một HLV ở Nghệ An từng sa thải một cầu thủ do vướng vào nợ nần và ngày nào cũng có giang hồ đến tận nơi tập luyện lẫn sinh hoạt của đội đòi nợ.
Gần nhất là ở giải… hạng nhì 2011, một trung vệ đội trưởng đội Thanh Niên Sài Gòn bị đâm hai nhát vào đùi lúc 4 giờ sáng ngay tại khách sạn C30 Glory sau trận bán kết Thanh Niên Sài Gòn thua Lâm Đồng 0-2. Nhiều người bán tín bán nghi rằng do giang hồ thanh toán để dằn mặt vì nếu hung thủ muốn đâm chết thì dư sức thực hiện. Việc này được dẫn dắt là liên quan đến bàn thứ hai rất vô duyên mà trung vệ đội trưởng này “mời ông xơi” khiến đội nhà kỳ vọng lớn thăng hạng nhưng mất suất vào giờ chót và làm bể đủ thứ kèo.
Trước trận đấu trên có thông tin từ chính đội Lâm Đồng báo ra rằng một số cầu thủ Lâm Đồng được gợi ý nằm để thua trận này sẽ nhận hơn rất nhiều lần 600 triệu đồng thưởng nóng. Và rất mừng là lãnh đạo đội bóng này được chính các cầu thủ người dân tộc ở đội Lâm Đồng lên gặp gỡ báo lại và nói: “Có người mua nhưng chúng em sẽ đá chết bỏ, không bán mình lấy tiền bẩn đâu!”.
Tại hội nghị tổng kết mùa bóng 2011, bầu Kiên đã mạnh miệng tố cáo trước trận ĐT Long An tiếp Hòa Phát HN, có người gợi ý đội khách chi 500 triệu thì bảo đảm sẽ thắng. Tiết lộ của bầu Kiên gây rúng động làng bóng nhưng tiếc là không cơ quan nào lần ra đầu dây mối nhợ vụ gợi ý chi tiền sẽ thắng. SEA Games 2011, các trận thắng đậm của U-23 Việt Nam trùng với kèo “tài” mà nhà cái đưa ra và trận thua bạc nhược ở trận tranh HCĐ cũng khớp với kèo “tài” trong khi HLV Goetz thốt lên: “Đây là một trận đấu tồi tệ nhất của U-23 Việt Nam”. |
(Đón đọc số tới: Cá cược và chống tiêu cực trong cá cược)