Quyết định lịch sử - bộ phim tài liệu hoạt hình 3D của đạo diễn, NSND Nguyễn Hà Bắc nói về thời điểm then chốt đêm 25/1/1954, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh kéo pháo khỏi trận địa để bảo toàn lực lượng dẫn tới thắng lợi sau cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phim chưa được phát hành chính thức nhưng mới đây đã được đưa lên mạng, trong khi chính tác giả cũng không hay biết.
Anh có thể cho biết hoàn cảnh ra đời bộ phim?
Lúc ấy tôi cùng tập đoàn tư nhân HIPT thành lập công ty gia công game cho nước ngoài, làm rất nhiều vũ khí, xe tăng, đạn dược. Thì bọn tôi cũng nghĩ có lẽ mình làm một bộ phim về chiến tranh cách mạng. Sau đó thì nghĩ đến tướng Giáp.
Kinh phí làm phim hết bao nhiêu?
Khoảng 2-3 tỷ. Vì gia đình Đại tướng hồi ấy chưa muốn tung ra, nên mình chưa hạch toán kinh tế xem cụ thể là bao nhiêu. Anh em làm phim hoàn toàn bằng cái tâm. Khi làm về một vị tướng, anh hùng dân tộc, tất cả đều làm hết mình, không hề tính toán. Công sá cho các họa viên, bọn tôi chưa trả hết, nhưng anh em không phàn nàn gì cả. Hy vọng một lúc nào đấy cuộc đời sẽ trả lại tâm huyết họ đã bỏ ra.
Nếu phát hành, các anh định theo kênh nào?
Cũng phát hành bình thường thôi. Thường bọn tôi cũng không tính lãi nhiều đâu. Chỉ lấy lại vốn, còn để cho các trường phổ thông sử dụng. Rất nhiều báo đã nhận định phim giống như một bài lịch sử bằng hình. Không cần nhiều lời đã toát lên sự tự hào về Điện Biên Phủ, về Tướng Giáp.
Anh nghĩ sao khi mới đây phim đã được đưa đầy đủ lên YouTube?
À thế à? Ai đưa lên chứ tôi không đưa. Phim thuộc bản quyền của Tướng Giáp.
Nếu ai đó đưa đầy đủ lên thì là một sự bất ngờ với tôi. Vì phim còn chưa được hạch toán kinh tế mà giờ đã làm như vậy thì chúng tôi thiệt thòi rất nhiều. Nhưng mà thôi, vì đây là phim về Đại tướng. Trên thực tế bọn tôi cũng làm thuê cho HIPT và người ta đã tặng bản quyền cho gia đình Tướng Giáp thì có gì bên đó có ý kiến, còn tôi chỉ là người sáng tạo. Vốn cũng không phải của tôi.
Gia đình Đại tướng đưa lý do vì sao chưa muốn phát hành phim?
Trong số các con của Đại tướng, người thích người chưa thích, người đồng ý người chưa đồng ý. Chứ cũng không có một lý do nào hết. Mặc dù nội dung phim được Cục Điện ảnh cũng như Ban Tuyên giáo xem, đánh giá rất tốt. Khi bọn tôi tặng phim cho Tướng Giáp, ông mệt rồi chỉ viết được vài chữ, thành ra mình không được đối thoại nhiều.
Đại tướng đã viết gì cho các anh?
Cái này cần phải có tư liệu chính xác cơ. Còn tôi thấy cụ viết run run, anh thư ký bảo là cụ viết mùng 3/2, tức là ngày thành lập Đảng. Nghĩa là cụ đặt vấn đề của cụ rất bé nhỏ thôi, còn đây là công lao của Đảng nhiều hơn.
Các anh mất những 2 năm cho bộ phim chưa đầy 20 phút?
Mỹ làm Câu chuyện đồ chơi 100 phút mất 4 năm. Dựng lại cả cánh đồng Mường Thanh, dựng lại bao nhiêu dốc để kéo pháo. Xe tăng, máy bay bọn tôi phải dựng hết. Từ những lốp xe dính bùn, áo trấn thủ, khăn mỏ quạ… tất cả đều phải làm bằng tay. Phải “nặn” ra như thật, rồi “mài” đi cho có màu thời gian, có bùn bắn, dầu loang, lửa ám vào mặt. Rất nhiều khâu trong phim 3D. Miễn làm thế nào lên hiệu quả nghệ thuật, chứ công nghệ đáp ứng mọi ý tưởng. Nếu còn thời gian vẫn có thể vẽ ra được nữa.
Anh còn ấp ủ làm phim 3D quy mô tương tự nữa?
Ấp ủ nhiều đề tài, nhưng chưa muốn lộ ra. Đến đề tài khó như Điện Biên Phủ còn dám làm thì tôi nghĩ mình có thể làm rất nhiều đề tài khác. Chẳng hạn, về những tấm gương anh hùng cách mạng- tái hiện lịch sử bằng hình để làm sao thế hệ trẻ nhận thức được thì rất tốt.