Để bắt đầu, xin kể một câu chuyện cũ: Năm 1996, Olympic Atlanta (Mỹ) trở thành một trong những Thế Vận Hội bi thảm nhất từng được tổ chức. Một vụ nổ bom bên lề đại hội cướp đi sinh mạng của 2 người và làm bị thương 111 người khác. Eric Rudolph là thủ phạm – người đàn ông 31 tuổi này muốn Thế Vận Hội bị hủy, và qua đó, gửi đi thông điệp chống lại... việc phá thai theo yêu cầu.
Chân dung Eric Rudolph
Tới năm 1998, FBI mới xác định được Eric là nghi phạm. Cuộc săn tìm bắt đầu. Eric bỏ trốn vào trong rừng sâu. Nhưng chi tiết ám ảnh nhất trong cuộc truy lùng này của cảnh sát, là vào ngày 7/3/1998, Daniel Rudolph, anh ruột của Eric tự cắt bàn tay trái của mình bằng một chiếc cưa máy, tự quay lại cảnh tượng đó với mô tả là muốn “gửi một thông điệp tới giới truyền thông và cảnh sát”. FBI khi đó không tiết lộ gì thêm về sự kiện này, vì cơ bản hành động này không vi phạm pháp luật.
Chuyện từ năm 1998, thời mà Internet còn sơ khai, không có bình luận trên báo mạng hay facebook để ta biết rằng phản ứng chung của dư luận Mỹ trước câu chuyện đáng sợ ấy là gì.
Chỉ có trên tờ New York Daily News, có một bài báo từ năm ấy ghi lại phản ứng lạnh lùng của người hàng xóm tên là Stephen Lord: “Nếu anh ta muốn tự cắt tay mình, thì cứ để vậy đi đừng nối lại làm gì”.
Còn nhân viên FBI Charlie Sheppard trả lời phỏng vấn tại hiện trường vụ chặt tay: “Tôi nghĩ phản ứng chung sẽ là: Whaaaa”.
Ở đây cần biết rằng tình cảm trong gia đình Rudolph rất tốt. Thời thanh niên, Eric từng bỏ học để đi làm thợ nề cùng anh trai Daniel của mình.
Eric Rudolph là thủ phạm vụ nổ bom bên lề Thế vận hội Olympic Atlanta
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng ở đây, giữa 2 câu chuyện này có một mối liên hệ khẽ khàng: một người anh em phạm tội, và người còn lại sẵn sàng chấp nhận thương tổn để “làm điều gì đó” giúp em trai. Ở đây, có thể là giúp em trai mình minh oan (gia đình Rudolph vốn tin Eric vô tội), hay là xua đuổi giới báo chí kền kền?
Tất nhiên là không cùng tính chất. Nếu Daniel chỉ tự gây tổn thương cho bản thân thì ông Dương Tự Trọng, ngoài gây thương tổn cho bản thân còn xâm hại luật pháp và lợi ích của mấy chục triệu con người nộp thuế.
Nhưng hãy cứ thử giả thiết rằng ông Trọng đã tự chặt tay để tìm cách giúp anh trai.
Nếu nhìn nhận từ góc độ giản lược này, mọi thứ dễ nhận diện hơn. Phản ứng chung nhiều khả năng cũng sẽ chỉ là: “Whaaa” một cách ngạc nhiên. Chứ không phải là sự thông cảm nhất định dành cho người anh em này – như những gì đang diễn ra.
Đúng là vì tình cảm thật đấy, nhưng anh ta cũng đồng thời xâm phạm nhiều giá trị đạo đức khác. Anh ta đâu chỉ có một người thân? Chặt tay mình vì một người, một người vốn sẽ không tránh khỏi sự phán xét cho dù anh ta có trốn được, thế còn vợ con, còn mẹ già thì sao? Hãy nghĩ đến cái cẳng tay cụt lủn đầy máu của Daniel Rudolph và nghĩ đến những người thân khác của ông Trọng.
Hành động của ông Dương Tự Trọng thoạt nghe có một ý nghĩa nào đó, vì có khả năng giúp anh mình trốn thoát, nhưng liệu nó có khác việc Daniel Rudolph tự chặt tay năm nào? Ở một góc độ tình cảm nào đó, trong một khoảnh khắc bột phát và bị thôi thúc vì sự thương cảm, thì nó không sai, nó có thể tạo ra cảm xúc trong lòng nhiều người.
Nhưng nhìn ra bức tranh lớn hơn, thì những gì ông tạo ra, với rất nhiều bị cáo không phải anh em ruột của ông Dương Chí Dũng tại tòa, với người thân của ông phía dưới, không thể nối lại được như bàn tay của Daniel Rudolph.
Hãy cứ tôn trọng quyết định của ông Dương Tự Trọng theo kiểu của ông hàng xóm nhà Rudolph. Đừng cố gán cho nó một giá trị nào đó.