Truyền hình thực tế: Cạn tài năng, đầy thị phi?

Gần một chục cuộc thi hát lên sóng truyền hình trong năm 2013, kéo theo đó sẽ là không ít những scandal.

Bùng nổ thi hát

Năm 2013 các cuộc thi tìm kiếm tài năng dưới dạng truyền hình thực tế sẽ tiếp tục bùng nổ. Đặc biệt là các cuộc thi hát trên truyền hình, món ăn yêu thích nhất hiện thời của khán giả.

Ngay trong đêm Chung kết Giọng hát Việt 2012, nhà sản xuất chương trình cũng đồng thời công bố khởi động Giọng hát Việt 2013. Giọng hát Việt 2013 sẽ trải qua 4 vòng: Sơ tuyển, Thử giọng giấu mặt, Đối đầu và Liveshow.

Vòng sơ tuyển trực tiếp sẽ diễn ra vào tháng 3/2013 tại ba thành phố: Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM. Vòng Giấu mặt Giọng hát Việt mùa thứ hai sẽ được ghi hình vào tháng 4/2013 và phát sóng số đầu tiên vào tháng 5/2013 bắt đầu lúc 21h chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3.

Bên cạnh đó, công ty Cát Tiên Sa, nhà sản xuất chương trình Giọng hát Việt, cũng đã khởi động sớm cuộc thi Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids). Chương trình tìm kiếm tài năng ca hát dành cho các ca sĩ nhí trong độ tuổi từ 9 - 15. Thời gian phát sóng của chương trình này kéo dài gần 3 tháng, bắt đầu phát sóng từ ngày 1/6 đến 24/8 trên kênh VTV3 với 12 tập, bao gồm 3 vòng: Giấu mặt, Đối đầu và Live show.

Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s Got Talent) mùa thứ hai đang bước vào vòng thi bán kết. Tuy đối tượng của cuộc thi này khá đa dạng nhưng cũng giống như mùa thứ nhất, số thí sinh tham dự chọn ca hát làm tài năng chiếm đa số.

Cặp đôi hoàn hảo mùa thứ hai cũng đã đi được đến liveshow 3, đêm chung kết sẽ diễn ra vào ngày 12/5. Tuy tiếng vang không bằng mùa đầu nhưng chặng đua bắt đầu nóng khi cuộc đua bắt đầu vào giai đoạn loại trực tiếp. Từ liveshow 4 trở đi, mỗi đêm sẽ có một cặp thí sinh bị loại.

Nằm trong cuộc tấn công của các phiên bản truyền hình thực tế ăn khách vào màn ảnh Việt, trong năm 2013, sẽ có thêm The X- Factor. Cuộc thi hát dành cho nhóm nhạc này đã được Cát Tiên Sa đánh tiếng mua bản quyền và dự định sản xuất trong năm nay.

Tiếng hát mãi xanh, cuộc thi hát dành cho người trên 35 tuổi, cũng đang chuẩn bị lên sóng. Bước sang năm thứ 3, cuộc thi sẽ mở rộng ra toàn quốc với ba điểm đăng kí dự thi tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Vòng đăng kí dự thi sẽ bắt đầu từ ngày 25/2/2013.

Tìm kiếm tài năng Việt Nam mùa thứ hai trở nên kém hấp dẫn hơn mùa đầu.

Một cuộc thi hát có tuổi đời lâu năm khác cũng đến kỳ là Liên hoan tiếng hát truyền hình – Giải Sao Mai 2013 sẽ được khởi động vào giữa năm nay. Đây là sân chơi được xem là khá thành công khi cho ra đời những giọng ca có tiếng trong dòng nhạc truyền thống cách mạng và dân ca hiện nay.

Một cuộc thi hát khác, có tuổi đời lâu đời nhất hiện nay là Tiếng hát truyền hình TP.HCM vẫn âm thầm diễn ra hàng năm. Tuy không được săn đón và trở nên nóng trên báo chí nhưng đây là sân chơi cho ra đời những giọng ca nổi tiếng đương thời của showbiz Việt.

Cạn kiệt tài năng

Cơn bão mang tên “thi hát truyền hình” càn quét qua một nền showbiz quá nhỏ bé như showbiz Việt liệu có đủ tài năng để góp sức trong mỗi cuộc chơi?

Có thể thấy, Vietnam Idol mùa thứ tư (năm 2012) đã là minh chứng khá rõ cho sự cạn kiệt tài năng. Cuộc thi thậm chí có giải thưởng lớn nhất trong các cuộc thi hát. Có sự hậu thuẫn vô cùng tốt cho thí sinh sau khi đến được bến bờ vinh quang. Và cũng có hiệu ứng lăng xê không hề kém cạnh ai cho những giọng ca mới. Nhưng chất lượng thí sinh quá kém của mùa thi năm 2012 đã khiến công chúng không khỏi thất vọng.

Giọng hát Việt mùa thứ nhất đã thành công. Có rất nhiều giọng ca mới được cuộc thi này khám phá ra. Và chất lượng của những giọng ca này là tốt so với mặt bằng hiện tại của các cuộc thi tương tự. Thế nhưng, sau mùa đầu thành công, không ai đảm bảo mùa thứ hai sẽ có thể tìm kiếm được thêm những giọng hát nổi trội.

Chất lượng thí sinh Vietnam Idol 2012 quá kém, khiến công chúng không khỏi thất vọng.

Nhân tài thì có hạn. Điều này có thể thấy rõ qua việc ngay ở mùa đầu tiên, không ít thí sinh đứng trên sân khấu Giọng hát Việt đều là những giọng ca ít nhiều có tên tuổi và đoạt được những giải thưởng ở các cuộc thi hát trước đó.

Cộng thêm vào đó, công chúng thường là cả thèm chóng chán, vì thế, khó ai dám đảm bảo Giọng hát Việt sẽ có thêm một vụ mùa bội thu.

Bài học từng xảy ra với Vietnam Idol. Sau mùa thi thứ nhất năm 2007, nhà sản xuất chương trình tận dụng sức nóng để làm tiếp mùa thứ hai, năm 2008. Nhưng đến giờ, toàn bộ dàn thí sinh và cả những người lọt vào chung kết mùa thứ hai đều không thể tìm cho mình chỗ đứng. Không thể khác được khi rõ ràng tài năng của họ vẫn còn khá khiêm tốn để trở thành Thần tượng âm nhạc nước nhà.

Nhìn vào số lượng các cuộc thi hát sẽ lên sóng truyền hình trong năm nay, không khó đoán kết cục. Nhưng đó không phải là chuyện đáng buồn với nhà đài, với đơn vị sản xuất. Bởi họ chẳng mấy quan tâm tới chất lượng thí sinh. Với họ, thí sinh chỉ là những con rối trên sân khấu.

Sống bằng scandal?

Hiện các chương trình truyền hình ở Việt Nam phần lớn là sống dựa vào nhà tài trợ. Vietnam Idol hiện nay có nhà tài trợ là công ty Unilever. Do đó suốt mấy tháng chương trình được phát sóng, thời lượng quảng cáo các sản phẩm của công ty này tăng đột biến trên truyền hình.

Vietnam’s Got Talent có đại gia chống lưng là P&G. Trong vòng bán kết, người ta còn đập vào mắt khán giả những sản phẩm của hãng này như dầu gội, nước xả vải,… bằng cách bắt thí sinh thể hiện tài năng khi phải giữ khư khư sản phẩm trên tay trong suốt phần clip giới thiệu bản thân.

Tương tự, Giọng hát Việt có hậu thuẫn của Samsung. Đủ thứ sản phẩm của hãng này được quảng cáo trên màn hình. Từ điện thoại cho đến máy tính bảng,…

Scandal Phương Uyên dàn xếp kết quả ở Giọng hát Việt 2012 đã khiến lòng tin của công chúng vào các chương trình thực tế chao đảo.

Chưa kể thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng đua nhau đặt quảng cáo vào những chương trình mới được mua phiên bản nước ngoài. Chương trình càng được quan tâm nhiều, càng được đưa tin đậm thì số lượng quảng cáo càng tăng mạnh.

Tất cả những yếu tố trên đưa đến một đề bài cho nhà sản xuất là làm sao phải thu hút được khán giả nhiều nhất. Tài năng thì hữu hạn. Do đó chỉ còn cách bơm thổi thêm những scandal xung quanh chương trình nhằm thu hút khán giả.

Cơn bão thi hát trên truyền hình chắc chắn chưa thể tan ngay trong năm 2013. Nhưng đây sẽ là một năm thử lửa với các nhà sản xuất chương trình thực tế. Bởi khán giả cũng đã bắt đầu ngán món scandal. Và công nghệ này cũng đã được loại bỏ ở các nước sản sinh ra các chương trình thực tế.

Nếu các nhà sản xuất ở ta không nhanh chóng tìm được lối đi khác hướng đến chất lượng thực sự của các chương trình thi thố, thì sẽ ngày họa ập đến sẽ rất gần.