Xã hội hoá…bể bơi
Cuối năm học 2011 - 2012, dự án xây dựng bể bơi trong trường được ban giám hiệu đề xuất xin ý kiến của phụ huynh nhưng không nhận được sự đồng tình.
Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học 2012 - 2013, nhà trường tiếp tục đưa ra đề xuất này và kêu gọi phụ huynh ủng hộ. 90% số phụ huynh phản đối chủ trương này vì cho rằng việc xây dựng bể bơi là chưa cần thiết do lịch học của con em họ rất kín, không có thời gian bơi, mặt khác nhà trường cũng chưa có phương án sẽ dạy môn bơi cho học sinh một cách quy củ, bài bản.
Tuy nhiên, phớt lờ ý kiến của phụ huynh, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bạch Đằng vẫn khăng khăng: "Nếu phụ huynh không đồng ý, chúng tôi vẫn đứng ra xây vì trường đã mua bản thiết kế bể bơi mất 20 triệu đồng rồi" - một phụ huynh thuật lại
Phụ huynh N.T.T có con học ở trường này bày tỏ: "Lớp 1, lớp 2 thì bơi sao được, tắm trong chậu còn ngã. Liệu nhà trường có quản lý tốt được vấn đề an toàn của các em? Các trường trên thành phố còn chưa xây, sao ở đây lại vẽ ra xây bể bơi". Nhưng vấn đề gây bức xúc nhất là khoản thu mà nhà trường gọi là "ủng hộ việc xây bể bơi" lại quá cao, không phù hợp với thu nhập của phần đông phụ huynh làm nông nghiệp. Mức thu cụ thể, học sinh lớp 1 đóng 600.000 đồng, giảm dần 50.000 đồng với mỗi lớp lớn hơn. "Chỉ riêng khoản này, nhiều nhà phải bán đi cả tạ thóc mới đủ, chưa kể những nhà có 2 con học tại trường"- chị T nói.
Khối lớp 5 là khối có nhiều phụ huynh phản đối nhất. Lý do phụ huynh đưa ra là chỉ còn 1 năm học nữa là con họ ra trường sẽ không được hưởng lợi ích từ việc xây dựng này. "Nhà trường hứa khánh thành trong 2 tháng, mà giờ vẫn chưa thấy thi công, đến lúc xây xong đang là mùa đông rồi, ai xuống đó mà tắm được, con tôi cũng sắp ra trường rồi" - chị P.T.M - phụ huynh lớp 5C cho biết.
Chiêu trò "ép khéo"
Không nhận được sự đồng tình của phụ huynh, Trường Tiểu học Bạch Đằng đã khéo léo xếp khoản thu tự nguyện này vào khoản thu xã hội hoá, bên cạnh 10 khoản thu bắt buộc khác, trong số đó có quá nửa các khoản thu trái quy định như: Tiền học 2 buổi/ngày: 305.000 đồng; tiền học tiếng Anh: 450.000 đồng; nước uống: 60.000 đồng; thuê vệ sinh trường: 70.000 đồng; bút chì + 2 ngòi: 47.000 đồng; đồ dùng: 42.000 đồng; xã hội hoá giáo dục: 550.000 đồng...
Danh sách khoản thu đầu năm học của học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Bạch Đằng.
Phụ huynh V.Q.M bức xúc: "Ban đầu tôi kiên quyết phản đối khoản thu xây bể bơi, tưởng mọi chuyện thế là xong ai dè khi con mang danh sách tiền cần đóng về thấy có khoản xã hội hoá giáo dục nên đã đóng. Không biết khoản thu này có dùng để làm bể bơi không?".
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Xã hội hoá giáo dục là việc cần thiết và nên làm, tuy nhiên quan trọng là ở cách làm như thế nào cho đúng. Các khoản xã hội hoá giáo dục trong nhà trường không sai nhưng cần có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh với nhà trường. Nếu ngay từ ban đầu việc thu tiền đã không nhận được sự đồng ý của phụ huynh, trường vẫn tiến hành thu, không giải thích cho người ta hiểu rõ việc cần thiết của khoản thu thì không khác gì một hình thức lạm thu. Để giải quyết một cách triệt để, cần làm rõ vấn đề công - tư trong giáo dục, khoản nào nhà nước bao cấp thì bao cấp cho đủ, khoản nào xã hội hoá, để dân làm thì cũng phải làm rõ...
Nhiều phụ huynh khác cũng phản đối thu khoản này lại bị sức ép từ chính giáo viên chủ nhiệm lớp và… con mình khi: "Ngày nào đi học về con cũng lèo nhèo nhắc là mẹ cho con tiền đóng xã hội hoá đi. Các bạn trong lớp đóng hết rồi, cô bảo sắp hết hạn không đóng thì lên gặp thầy hiệu trưởng mà đóng. Ngày nào cũng bị cô nhắc 4 - 5 lần xấu hổ lắm" - chị P.T.P phản ánh.
Chị P cũng cho biết: "Biết là không hợp lý nhưng vì sợ con bị trù dập nên cố mà đóng cho xong. Nói là đóng góp tự nguyện mà làm thế này chẳng khác gì ép nhau".
Việc Trường Tiểu học Bạch Đằng "ép khéo" học sinh đóng khoản thu tự nguyện đã được nhiều phụ huynh bức xúc phản ánh, danh sách các khoản thu cũng công khai. Tuy nhiên khi liên lạc với ông Cao Thanh Tuyên - Hiệu trưởng trường thì ông này chối: "Nhà trường không thu khoản này bao giờ". Khi phóng viên muốn gặp mặt để làm rõ mâu thuẫn trong phản hồi của phụ huynh và khẳng định của nhà trường thì vị lãnh đạo này từ chối không gặp mặt, không nhận điện thoại.
Liên quan đến vụ việc, chúng tôi sẽ phản ánh trong các số báo tiếp theo.