Trước trận bóng đá giao hữu giữa 2 đội Việt nam- Arsenal: VFF có vì người hâm mộ?

Những ngày này, dư luận có nhiều ý kiến trước trận bóng đá giao hữu giữa 2 đội Việt Nam – Arsenal sẽ diễn ra giữa tháng 7/2013 mà VFF tổ chức.

Vậy, sự thực đơn vị tổ chức có vì “tinh thần thể thao?!.

Mập mờ “nguồn thu”

Theo bản dự toán trận giao hữu đội Việt Nam - Arsenal mà VFF gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì nội dung của nó đã đi ngược lại tất cả những gì mà ông Nguyễn Trọng Hỷ và Ban Tổ chức trận đấu tuyên bố trên báo chí gần đây. Tổng số tiền Ban Tổ chức thu về 30,6 tỷ đồng từ bán vé; tiền thu 4 nhà tài trợ, tài trợ chính, bản quyền truyền hình trận đấu là 0 đồng. Trong khi đó, tổng chi hết 44,5 tỷ đồng. Như vậy VFF báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ có thu tiền từ bán vé, không hề có khoản kinh phí tài trợ nào cho trận đấu. Sau đó, Eximbank và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được VFF giới thiệu là đơn vị tài trợ cho khán giả Việt Nam. Với giá vé trung bình 1 triệu/1 vé nhân với 40.000 chỗ ngồi, Ban Tổ chức trận đấu đã thu về 40 tỷ đồng, chưa tính đến số tiền thu về từ quảng cáo tại sân Mỹ Đình và truyền hình dự kiến tương đương số tiền bán vé. Như vậy VFF, Eximbank và HAGL thu về từ thương vụ này lên tới gần 100 tỷ đồng. Chưa kể đến hậu thương vụ này, cổ phiếu Eximbank và HAGL sẽ biến động “có lợi” như thế nào cho 2 doanh nghiệp này.

Vậy với giá vé cao ngất ngưởng thế này thì những đơn vị tổ chức sự kiện định phục vụ ai? Số tiền lãi từ trận đấu ai sẽ được hưởng lợi? Với những con số lãi - lỗ, có lẽ thương vụ này VFF, Eximbank và HAGL nên miễn phí vé cho người hâm mộ đến xem trận đấu này, như vậy mới là vì người hâm mộ.

Trả lời câu hỏi việc Eximbank, HAGL báo cáo Bộ và Tổng cục nguồn thu tài trợ là “0 đồng”, ông Vương Bích Thắng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao phân tích: Phải nói Eximbank, HAGL là nhà bảo trợ, họ đứng ra mời Arsenal đến Việt Nam, họ cũng đã tổ chức đoàn đến Việt Nam để khảo sát, kiểm tra sân, thương thảo hợp đồng... Còn hiện nay nguồn thu để tổ chức trận đấu chưa thu được đồng nào cả, BTC chỉ nhận định với “sức nóng” của sự kiện này, nhiều khả năng sẽ bán được giá vé cao và nguồn tiền thu về có lẽ cũng chỉ là từ việc kinh doanh “người hâm mộ”. Người hâm mộ trả tiền mua vé cao thì BTC sẽ thu được tiền nhiều, không phải bù lỗ. Đánh giá về giá vé 1,5 triệu đồng/vé so với lương cơ bản của công chức hiện nay là 1.050.000 đồng/tháng, ông Thắng cũng cho rằng giá vé như thế là đắt.

Có vì tinh thần thể thao nước nhà?

Chủ tịch Hội cổ động viên bóng đá quốc gia Việt Nam - NSƯT Lê Đức Trung bức xúc: “Đã là quốc gia thì việc phát ngôn phải trước sau như một, chứ không thể bất nhất, báo cáo là đội tuyển quốc gia sau lại là đội tuyển các ngôi sao thì không thể chấp nhận được. Giá vé 1,5 triệu đồng/vé là quá cao, đề nghị BTC và nhà tài trợ nên giảm giá vé xuống để người hâm mộ còn có cơ hội đến sân xem các đội bóng yêu thích thi đấu.

Luật sư Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật Trường Sa phân tích: Việc ông Hỷ và BTC trận giao hữu tuyên bố những ngày qua là tự “mạo nhận” nhiệm vụ chính trị để lợi dụng làm kinh tế. Đơn cử, khi ông Chủ tịch VFF nói đội bóng Arsenal sang Việt Nam thi đấu với đội tuyển quốc gia Việt Nam, thì chỉ có những cầu thủ hiện đang là biên chế trong đội tuyển quốc gia mới được tham dự, chứ không thể có nhiều cầu thủ đã từ giã đội tuyển khá lâu, nay lại mời và nói là đội tuyển thì hoàn toàn chưa đúng và đủ. Theo tôi, khi ông Chủ tịch VFF đã phát ngôn trước công luận thì phải chính xác, trước sau như một, sao cho xứng tầm một “tư lệnh ngành” dám nói, dám chịu trách nhiệm.

Còn Luật sư Trần Viết Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định về sự kiện này như sau: Mục đích lớn nhất mời đội bóng Arsenal sang Việt Nam để đội tuyển quốc gia có cơ hội giao lưu, học hỏi, cọ sát cũng như quảng bá hình ảnh của nền bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, với những gì tôi được biết, được đọc, được nghe thì đây chỉ đúng với mục đích quảng bá vì lợi ích kinh tế của một nhóm quyền lợi mà thôi.

Ai cũng đều hiểu rằng: VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Ngân hàng Eximbank và HAGL là những doanh nghiệp kinh doanh ngân hàng và bóng đá chuyên nghiệp chứ không phải những đơn vị trên là tổ chức chính trị hay cơ quan quản lý Nhà nước mà ông Hỷ dám tự biến nó thành “nhiệm vụ chính trị” trong khi đó trận thi đấu giao hữu này là thương vụ kinh doanh của các doanh nghiệp. Có hay không việc ông Chủ tịch VFF “mạo nhận” nhiệm vụ chính trị để làm kinh tế? Những khuất tất về thương vụ kinh doanh của BTC trận giao hữu bóng đá Arsenal - Việt Nam để người hâm mộ không bị BTC thu tiền bán vé quá cao? Đó là những vấn đề “nóng” kiến nghị Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng sớm làm rõ và có thông tin chính thức trước công luận.