Trước khi ầm ĩ đưa nhau ra tòa, Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ đã từng có chuyện tình đẹp như mơ thế này

Thật quá tiếc nuối cho mối tình đã từng đẹp như cổ tích!

Cuộc tình của cô tiểu thư giàu có và chàng trai nhà nghèo

Bà Thảo còn sinh ra trong gia đình giàu có, bố mẹ đều kinh doanh vàng bạc đá quý. Vì thế mà bà được hàng tá đàn ông săn đón theo đuổi. Còn gia đình ông Nguyên Vũ khi ấy đều làm công nhân trong xí nghiệp gạch tại 1 huyện nhỏ của Buôn Mê Thuột.

Hôm ấy, ông Đặng Lê Nguyên Vũ gọi điện đến tổng đài để nhờ giải đáp thông tin và chính bà Diệp Thảo là người nghe máy nói chuyện cùng ông. Khi cuộc nói chuyện bắt đầu, ông Vũ có hàng 1000 câu hỏi và bà đã kiên nhẫn để trả lời.

Mặc dù chẳng biết mặt nhau ra sao, nhưng 2 người đều bị hút vào nhau, có cảm tình ngay từ lần đầu nói chuyện. Cuối cùng, sau 1 năm trời mà ngày nào cũng nói chuyện mặc dù không biết mặt nhau thì bà cũng nhận lời gặp ông Nguyên Vũ. Và họ yêu nhau ngay từ lần gặp đầu tiên ấy.

Dù gia cảnh 2 gia đình khác nhau, người giàu sang, kẻ nghèo khó nhưng bà Thảo vẫn đem lòng yêu ông Vũ bởi đó là 1 người đặc biệt. Ông không chỉ thông minh, tài giỏi, có nhiều kiến thức mà còn rất khác với những người bà Thảo gặp trước đó bởi ông ấy giàu tinh thần và ý chí.

Nguyên Vũ luôn mong muốn làm giàu và giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó, túng thiếu. Và đó là điểm cuốn hút nhất của ông chủ Trung Nguyên sau này. Diệp Thảo đến bên Nguyên Vũ lúc ông khó khăn nhất, giúp ông sắp xếp lại có ý tưởng, cũng như kiến thức để định hướng cho tương lai. Bà tin chắc rằng, người đàn ông ấy sẽ sớm thành công trong tương lai.

Không chỉ có vậy, khi mới gặp nhau và yêu nhau, Đặng Lê Nguyên Vũ còn chẳng hề biết bà Diệp Thảo là con nhà giàu. Mỗi lần đi chơi, bà không cho ông Vũ đưa về nhà và nói dối gia đình bà rất nghèo, vất vả, 1 tay bà ngoại nuôi nấng bà trưởng thành.

Đến mãi sau này, khi thời gian yêu đủ lâu, Nguyên Vũ biết được gia cảnh thật sự của bà và nói lời chia tay. Thế nhưng, bà không chịu, bà nắm lấy tay ông Vũ và nói rằng: “Anh có muốn gia đình anh đổi đời hay không? Em sẽ cùng anh làm việc đó!”.

Khoảng thời gian yêu nhau, bà Thảo chưa 1 lần tỏ ý coi thường Nguyên Vũ và đòi hỏi ở ông ấy bất cứ điều gì. Sau đó, Đặng Lê Nguyên Vũ tốt nghiệp Đại học Y và cùng bà Diệp Thảo xây dựng Trung Nguyên. Đến năm 1996, hai ông bà cùng góp vốn và mở quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên. Thế nhưng, đến năm 1997, Nguyên Vũ phá sản lần đầu khi bỏ tiền đầu tư vào vùng Long Xuyên và mất tất cả tiền của.

Bà quyết định bỏ công việc trực tổng đài 108 để kết hôn cũng ông Vũ bởi lẽ chỉ kết hôn thì bà mới chia sẻ những khó khăn và hỗ trợ Nguyên Vũ kinh doanh. Lúc ấy, bạn bè, gia đình bà cũng ngăn cản nên cứ khóc suốt vì thương con. Thế nhưng, bà tin vào tình yêu 1 túp lều tranh, 2 trái tim vàng, bà tin vào ý chí của chồng. Và bà tin quyết định lấy Nguyên Vũ là đúng đắn.

Cuộc hôn nhân hạnh phúc và cái kết buồn

Sau bao nhiều khó khăn, thương hiệu cà phê Trung Nguyên ngày 1 lớn mạnh, đằng sau sự thành công của người chồng tài giỏi, luôn có bóng dáng của bà đằng sau hỗ trợ, giúp chồng trong công việc. Bà là người đảm nhận vai trò nội tướng của Trung Nguyên, còn chồng sẽ có nhiệm vụ xây dựng và quảng bá thương hiệu cũng như tiếp xúc truyền thông.

Thế nhưng, cuộc hôn nhân hạnh phúc bỗng biến thành bi kịch khi 2 vợ chồng không có tiếng nói chung. Bà Thảo đệ đơn ly hôn với ông Vũ và ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên đã tự ý bãi nhiệm chức Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên đối với bà. Thậm chí, còn thay tên người đại diện pháp luật từ bà Thảo sang tên ông Vũ của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên.

Hạnh phúc thường bắt đầu trong gian khó, nhưng lại tan vỡ khi ta sắp chạm đến cái viên mãn của cuộc đời

"Diệp Thảo" và "Nguyên Vũ" đều là những cái tên không đại trà, chẳng những thế nó còn mang một duyên nợ. Một người là cỏ xanh, một người là mưa đầu mùa. Mưa đến mang theo sự sống, khiến cỏ sinh sôi và trở thành một cánh đồng xanh ngát. Có thể nói Trung Nguyên chính là hiện thân của "thảo nguyên xanh" mà hai người họ đã kết tinh với nhau.

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác bồi hồi pha một chút ngưỡng mộ khi đọc những dòng bà Thảo kể về mối tình thuở hồng hoang với ông Vũ. Mối nhân duyên từ cuộc điện thoại đến tổng đài 108 ở Gia Lai đã tạo nên sự gắn kết đặc biệt của "cỏ" và "mưa", một cách đầy cảm hứng.

Tôi không đánh giá việc ông Vũ đi thiền và thay đổi cuộc sống sau đó như thế nào, vì không phải người trong cuộc. Nhưng tôi mơ hồ hiểu được cái cảm giác say mê điều gì đó của ông ấy đến mức khiến cho người vợ của mình cảm thấy lạc lõng, đó là một phần trong sự lãng mạn của người đàn ông.

Người ta vẫn hay nghĩ "lãng mạn" gói hẹp trong một cuộc tình, qua những sự quan tâm và những cử chỉ lịch thiệp. Nhưng ngẫm lại, một gia đình êm ấm hay một mối tình nồng thắm vẫn là những điều dễ kiếm được trong cuộc sống thực tế. Những thứ gọi là lãng mạn đối với phụ nữ cực kì giản đơn như vậy, một mái nhà và một người đàn ông làm chỗ dựa.

Trong khi sự lãng mạn đối với đàn ông hoàn toàn khác. Đó là khát vọng đổi đời, là mục tiêu tỷ phú, là khao khát chinh phục một điều gì đó, là thứ mà bà Thảo khẳng định nếu xem là tài sản thì ông Vũ sẽ giàu hơn bất cứ ai.

Chính sự lãng mạn đó đã khiến cô tiểu thư giàu có Lê Hoàng Diệp Thử gửi đơn nghỉ việc ở bưu điện để làm vợ người doanh nhân khởi nghiệp Đặng Lê Nguyên Vũ, quyết tâm trở thành hậu phương để anh ta yên tâm đánh Đông dẹp Bắc, chinh phục đỉnh cao nhất cuộc đời.

Tôi không phân định ai đúng ai sai, cũng không đứng về phe người nào, tôi chỉ tiếc vì cả hai đã không đi đến cùng cái viên mãn mà cuộc đời đã từng dành cho họ. Nó tựa như một câu chuyện lãng mạn và buồn man mác.

Mùa mưa chỉ kéo dài vài tháng trong năm, mưa đầu mùa lại càng đi nhanh như gió, đến rồi đi như một cuộc hành trình bất tận. Trong khi cỏ chỉ đứng yên một chỗ và lớn lên từng ngày, nở hoa rồi xum xuê như một đại ngàn, bằng sự tưới mát của mưa và cả ý chí của riêng nó. 

Nhưng rồi đến một mùa nào đó bất ngờ nắng hạn, cỏ vẫn không vì thế mà héo khô. Để đến khi mưa quay trở về, cỏ đã thành cánh rừng tự lúc nào và không cần mưa nữa. Và thế là mưa cũng hóa thành bão giông, trút lên thảo nguyên những cơn thịnh nộ ngút trời. Câu chuyện của bà Thảo và ông Vũ rốt cục lại buồn như thế.

Cũng có người cảm thấy giận ông Nguyên Vũ vì đã quá chiều chuộng bản ngã của mình mà bỏ bê những giá trị tinh thần đằng sau các cuộc chinh phục của đàn ông. Nhưng rốt cục, thứ họ đánh mất không gì khác ngoài sự nhường nhịn và tin tưởng của ngày xưa. Khi con người ta đã có trong tay vật chất, ta sẽ nghĩ mình có tất cả. Nhưng hóa ra thứ ta đánh mất từ lúc nào lại là sự dịu dàng mình đã từng vì nhau khi còn hàn vi.