Báo Đài Loan dự đoán, kế hoạch này "chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc xung đột với các nước láng giềng".
Dẫn lại tin thông tin từ tờ Nhật báo thương mại Hồng Kông, Want China Times nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Văn phòng Quốc vụ viện Hoa lục - tức Chính phủ Trung Quốc – công bố một kế hoạch khai thác dầu lớn tại Biển Đông, với dự kiến 10.000 tấn dầu/năm trong vòng 6 năm (2014-2020).
Cho đến nay, Trung Quốc đã khai thác dầu tại nhiều khu vực ven bờ với diện tích tổng diện tích khoảng 160.000 km² tại Biển Đông, vùng biển có diện tích hơn 3 triệu km². Với sự phát triển của các phương tiện công nghệ cho phép khoan dầu tại biển sâu và áp lực của nền kinh tế khát năng lượng, Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển các giàn khoan ngoài khơi xa.
Cách nay hơn hai năm, ngày 23/06/2012, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã loan báo mời nước ngoài đầu thầu thăm dò 9 lô dầu khí ở khu vực mà họ xác định là "vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc" ngoài Biển Đông. Các lô dầu này nằm sát bờ biển miền Trung và miền Nam của Việt Nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Theo Reuters cũng hồi tháng 07/2014, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc tuyên bố đang nghiên cứu khả năng xây dựng một nhà máy khí hóa lỏng nổi trị giá hàng tỷ đô la để khai thác khí đốt ở vùng nước sâu của Biển Đông.
Biển Đông là khu vực được cho là có trữ lượng lớn về dầu khí. Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, một số ước tính, đặc biệt của các công ty dầu khí và bộ ngành Trung Quốc, đưa ra các con số khổng lồ, từ 17 đến 50 tỷ tấn. Tuy nhiên, theo nhiều ước đoán từ phía Hoa Kỳ, thì trữ lượng dầu Biển Đông chỉ ở mức khoảng 1,5 tỷ tấn.
Trữ lượng này là không nhỏ, nhưng chỉ tương đương với nhu cầu dầu mỏ hiện tại của Trung Quốc trong vòng ba năm. Báo Want China Times, trong bài viết nói trên, nêu ra con số 5,22 tỷ tấn dầu có thể khai thác được tại Biển Đông, con số gần với kết quả điều tra năm 1966 của Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về Châu Á.