Giá heo hơi tại phía Nam liên tục tăng do thương lái gom hàng để xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch khiến người chăn nuôi phấn khởi. Thế nhưng, lực hút từ thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể lường trước.
Rầm rộ thu mua
Ghi nhận của phóng viên cuối tuần qua tại nơi được xem là “rốn heo” của tỉnh Đồng Nai và cả khu vực phía Nam như: xã Gia Kiệm, Gia Tân, Dầu Giây (huyện Thống Nhất); huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu..., không khí mua bán diễn ra khá tấp nập.
Ông Phú Bình An, trưởng ấp Phúc Nhạc (xã Gia Tân, huyện Thống Nhất), cho biết thương lái phía Bắc vào thu mua heo rầm rộ từ đầu tháng 8 đến nay. Họ đến tận trang trại và trao tiền mặt tận tay. Đi thực tế tại các trại heo lớn ở xã Gia Tân, chúng tôi được biết hầu hết đã có mối đặt tiền cọc và chọn ngày bắt heo.
Ông Trần Thanh Nha, chủ trại heo ở ấp Gia Yên (xã Gia Tân, huyện Thống Nhất), cho biết tuần rồi nhà ông vừa xuất chuồng 100 con, trừ chi phí, lãi hơn 250 triệu đồng nhưng vẫn còn thấy tiếc vì giá heo hơi đang tăng từng ngày.
Ở Đồng Nai hiện có nhiều điểm tập kết heo như thế này để vận
chuyển ra Bắc, xuất sang Trung Quốc Ảnh: Đình Thi
Trên địa bàn các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), thương lái thuê những chiếc xe tải mang biển kiểm soát các tỉnh Thanh Hóa (36), Phú Thọ (19), Quảng Ngãi (76), Bình Định (77)... đậu dài ở bãi trung chuyển. Mỗi ngày có đến hàng chục chiếc xe tải nhỏ gom heo từ các trang trại rồi tập trung tại vựa trung chuyển trước khi nối đuôi nhau ra phía Bắc.
Sức hút của thị trường Trung Quốc đã đẩy thương lái và doanh nghiệp (DN) mua heo để cung ứng cho thị trường nội địa lo lắng. Ông Đặng Văn Hoàng - chủ DN chuyên thu mua heo trên địa bàn xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất - nói: “Mọi năm, chúng tôi không cần cử nhân viên trực tiếp đến trại heo để thu mua nhưng năm nay nếu không làm vậy thì sẽ không còn hàng. Tuy chúng tôi chưa thấy thương lái Trung Quốc trực tiếp đến mua heo nhưng thương lái vùng khác đến Đồng Nai tranh nhau mua rồi vận chuyển ra phía Bắc để xuất sang Trung Quốc đang diễn ra rầm rộ. Đâu đâu cũng có dấu chân của họ, họ thu gom không chỉ heo thịt đổ tạ mà còn tận thu cả heo sữa, heo con với giá khá cao” - ông Hoàng nói.
Lệch giá
Theo ông Trần Quang Trung, chủ trang trại heo lớn ở xã Gia Kiệm, giá heo hơi trên địa bàn đang ở mức từ 45.000-47.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với 2 tháng trước. Với kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, ông chia sẻ: “Khi giá heo hơi của Trung Quốc cao hơn nước ta 10.000 đồng/kg thì heo Việt sẽ “chảy” sang. Hiện giá heo bên đó ở mức 63.000 đồng/kg nên thương lái gom hàng xuất sang Trung Quốc lãi lớn. Tuy nhiên, không phải ai làm cũng được mà chỉ vài đầu mối mới có thể đưa hàng qua được cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh)”.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam (Vissan), cho biết hiện mỗi ngày, Việt Nam xuất khẩu được 500 con qua Campuchia và khoảng 6.000 con qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Nhờ nước bạn “ăn hàng” nên giá heo hơi trong nước đứng ở mức cao, người nuôi lãi lớn. “Nhưng mặt trái là người tiêu dùng trong nước chịu phần thiệt thòi do phải ăn thịt giá cao hơn giá trị thật” - ông Mười nhận xét.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công, lý giải nguyên nhân thị trường Trung Quốc hút hàng là do nguồn cung nước này bị thiếu. Tuy nhiên, trước giờ hầu như chưa có DN nào xuất khẩu heo hơi chính ngạch mà chủ yếu do thương lái đưa sang bằng đường tiểu ngạch.
Xác nhận thông tin này, TS Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT), cho biết Trung Quốc hiện chưa mở cửa nhập khẩu chính thức heo từ Việt Nam. Nguyên nhân vì Việt Nam vẫn còn bệnh lở mồm long móng và tai xanh nhưng hiện nay do thiếu hàng nên họ vẫn mở cửa cho nhập tiểu ngạch.
Lo tăng đàn nóng
Ông Nguyễn Trí Công cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xuất khẩu được heo là điều tốt, dù qua đường tiểu ngạch. “Vừa qua, tôi có tham gia một cuộc gặp với phía Nhật Bản để bàn chuyện xuất khẩu heo nhưng chưa được do vấn đề dịch bệnh. Đàn heo của Đồng Nai hiện khoảng 1,6 triệu con, đủ cung ứng xuất khẩu, không lo trong nước thiếu thịt. Vấn đề là cần quản lý việc xuất khẩu, cho dù là tiểu ngạch, để nắm diễn biến thị trường, tránh bị động” - ông Công kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Phòng Nông nghiệp Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai: “Tình trạng thu gom heo không có hợp đồng mà chỉ thỏa thuận trao tiền mặt nên sẽ không bền vững. Sở NN-PTNT đã có văn bản gửi đến từng địa phương nhằm khuyến cáo người dân chăn nuôi một cách khoa học, đừng thấy lợi trước mắt, nuôi đại trà tạo nên tình trạng cung vượt cầu”.
Rủi ro khó lường
Tại một hội thảo mới đây về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, TS Phạm Quang Diệu, chuyên gia về số liệu thống kê các ngành hàng nông sản, cho biết câu hỏi “Khi nào Trung Quốc gom hàng?” là vấn đề lớn nhất vì tác động mạnh đến thị trường nội địa. Theo ông, nhờ vị trí giáp Trung Quốc mà Việt Nam có nhiều cơ hội kinh doanh từ thị trường khổng lồ này nhưng rủi ro hết sức khó lường. Thương mại tiểu ngạch giúp tiêu thụ nhiều mặt hàng cho Việt Nam nhưng kéo theo hệ lụy của “bẫy giá” hay các rủi ro về thanh toán và biến động thất thường do hiện tượng “cấm biên” xảy ra.
Lo khó quản chất cấm
Theo tìm hiểu, heo xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là heo có nhiều mỡ, trọng lượng trên 120 kg, là loại nuôi bình thường, không phải heo siêu nạc. Ông Nguyễn Trí Công cho rằng đây là “cái khôn” của người Trung Quốc khi không chuộng thịt heo có phần nạc sát da như Việt Nam vì dễ phát sinh “biến tướng” như sử dụng chất cấm nhằm tạo nạc mà không phải đầu tư con giống, kỹ thuật chăn nuôi...
Chính sự “lệch pha” về thị hiếu tiêu dùng dẫn đến tiềm ẩn nhiều hệ lụy nếu việc bán sang thị trường Trung Quốc gặp trục trặc.
Cuối tháng 11 vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, một trong những địa phương có thương lái lùng sục mua heo mỡ, đã phát đi văn bản khuyến cáo người nuôi thận trọng trước hiện tượng trên. Văn bản nêu rõ ở góc độ người dân, thương lái thu mua heo giúp đầu ra ổn định, giá tăng, đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc rất bất thường và việc làm ăn với thương lái Trung Quốc thường không có hợp đồng rõ ràng nên dễ bị động. Tình trạng thu mua này dẫn đến thị trường cung cầu không ổn định, khi heo được thu gom ồ ạt để xuất sang Trung Quốc vào dịp cuối năm sẽ gây cơn sốt giá thực phẩm và nguồn cung sụt giảm. Khi thương lái ngừng thu mua, giá heo hơi giảm đột ngột, người chăn nuôi sẽ thua lỗ.
Đây cũng là vấn đề ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, nêu ra khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động. Bởi vì, nếu không xuất khẩu được, để tiêu thụ trong nước, số heo này rất dễ bị cho ăn chất cấm nhằm mục đích tiêu mỡ, tạo nạc. Vấn đề lớn hơn nữa là hiện giá đầu ra tăng cao sẽ hút người chăn nuôi tăng đàn. Ở thời điểm đầu ra thuận lợi, giá cao, thị trường dễ tính cũng dễ nảy sinh tình trạng chăn nuôi lạm dụng kháng sinh, chất cấm để kiếm lời nhanh.
Đến lúc nào đó, cung vượt cầu, Trung Quốc ngưng mua sẽ đẩy ngành chăn nuôi vào đợt suy thoái, thua lỗ và cần phải giải cứu như hàng loạt nông sản khác (dưa hấu, hành tím, thanh long...) hay không? Trong khi hoạt động xuất khẩu heo sang Trung Quốc ở dạng phi chính thức, rất khó nắm bắt, dự báo