Trọng Tấn xin từ bỏ công chức không còn là chuyện cá nhân

Xay lúa thì đừng ẵm em, không thể một lúc làm tốt nhiều việc. Ca sĩ Trọng Tấn đã chọn biểu diễn tự do để hoàn toàn không bị vướng bận, chi phối, phụ thuộc...

Giữa dạy thanh nhạc ở Học Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và biểu diễn tự do – cái nào giữ cái nào bỏ? Xay lúa thì đừng ẵm em, không thể một lúc làm tốt nhiều việc. Ca sĩ Trọng Tấn đã chọn biểu diễn tự do để hoàn toàn không bị vướng bận, chi phối, phụ thuộc bởi phận sự một công chức nhà nước.

Lý do rời bỏ môi trường sư phạm mà mình đã 10 năm cống hiến, gắn bó thân thiết ca sĩ Trọng Tấn giải thích ngắn gọn là anh “muốn chủ động cuộc sống, công việc và không làm ảnh hưởng đến thời gian và công việc chung của tập thể”. Tôi tin đây là lời nói thật chân thành của một thầy giáo có lương tâm.

Trọng Tấn có quyền giữ quan điểm: “Cái này là chuyện cá nhân, tôi xin nghỉ âu cũng là chuyện nhỏ nhặt”. Nhỏ nhặt với Trọng Tấn lại là việc rất lớn của 14 em đang theo học anh. Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên đã cho công chúng biết sự thật: “Trọng Tấn đang là giảng viên giỏi, giờ nghỉ việc khiến 14 sinh viên của cậu ấy trở nên bơ vơ như gà con lạc mẹ, nhưng các em sẽ hụt hẫng phải có một thời gian để làm quen hòa nhập, thích nghi với thầy mới".

Có bao giờ Trọng Tấn băn khoăn nghĩ: Biết đâu trong số học trò nhỏ bé của mình bị “bỏ rơi” ấy, sẽ có em oán hận, trách móc thầy, mà không giám nói ra? Có bao giờ Trọng Tấn nghĩ: Biết đâu trong số các thầy cô đáng kính của mình, đồng nghiệp sư phạm của mình, sẽ có người coi anh “bỏ của chạy lấy người” và họ vừa cảm thông chia sẻ lại vừa tiếc nuối, lại vừa mang tâm trạng của người bị bỏ rơi. Làng bóng đá nhân loại cũng có những chuyện tương tự, cầu thủ đang ghi bàn trong đội bóng này, bỗng đầu quân sang đội bóng khác khiến bao nhiêu fan hâm mộ nức nở, tiếc nuối, tức giận. Cuộc chuyển nhượng vào ngày cuối cùng mùa hè năm nay của danh thủ Gareth Bale, giã từ Tottenham sang đá cho Real với giá 85,3 triệu bảng, khiến nhiều fan hâm mộ nước Anh tức giận, hùa nhau đốt áo thần tượng Gareth Bale như đốt thiêu kẻ phản bội.

Người không bất ngờ, nhưng buồn bã và bức xúc đầu tiên lại chính là vị thầy khả kính của anh – Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên: “Cách đây 2 năm, cậu ấy đã từng nói với tôi là muốn rời trường. Ngày tốt nghiệp của sinh viên, do cậu ấy là giảng viên trực tiếp nhưng lại không đến vì đã trót ký hợp đồng biểu diễn ở bên ngoài. Tôi bảo, cậu làm thế là không được. Mình là giảng viên, ngày sinh viên biểu diễn tốt nghiệp phải đến xem các em thi cử ra sao. Lúc đó, cậu ấy đã nói với tôi là muốn xin thôi nghề”.

Trọng Tấn xin thôi nghề không phải vì lời trách móc của thầy Trung Kiên, càng không phải sự tự ái. Sự thật, cùng một lúc phải làm hai việc lớn, Trọng Tấn đã từng không bao quát hết, không kiểm soát hết, không chủ động, không cáng đáng hết. Thời hiện đại, con người bị cuốn vào vòng quay nhanh mạnh gấp gáp của kinh tế thị trường. Cũng những việc ấy, trước đây còn đủng đỉnh được chăng hay chớ, thì bây giờ nó thúc vào hông, nó bắt con người lúc nào cũng phải chạy đến mệt nhoài. Các thầy cô khác có thể vừa dạy tốt vừa đi biểu diễn tốt vì show không nhiều. Trọng Tấn thì lại khác, anh đang là ngôi sao hàng đầu của dòng nhạc đỏ, lịch biểu diễn dày đặc thì khó mà nói “thi đua dạy tốt học tốt” và hát tốt được. Vòng quay kinh tế thị trường không chấp nhấn sự nhập nhằng nghiệp dư với chuyên nghiệp. Một nhà buôn chẳng thể vừa là doanh nhân lại vừa là nhà chính trị.

Một họa sĩ tài năng khó làm nên chuyện vừa bán tranh đắt như tôm tươi, lại vừa sản xuất phần mềm ở thung lũng silicon. Trong hai việc lớn: dạy thanh nhạc và biểu diễn tự do, Trọng Tấn chọn làm ca sĩ tự do là một tư duy chuyên nghiệp, hành động chuyên nghiệp ở thời kinh tế thị trường.

Người ta nói rằng: “Đất lành chim đậu”. Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là nơi đất lành đất thiêng, là nơi Trọng Tấn trưởng thành và phát triển tài năng. Nhưng, đối với Trọng Tấn, có phải Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đang là cái áo quá chật làm anh xoay xở khó khăn khi làm phận sự một ca sĩ biểu diễn chuyên nghiệp và anh không muốn khoác lên người? Có phải thời của ca sĩ vừa dạy thanh nhạc (hay làm việc gì đó), vừa đi hát chuyên nghiệp qua rồi? Đúng! Đúng ít ra là trường hợp Trọng Tấn với lịch diễn dày đặc mà không điều hòa, cân đối được với các công việc giảng dạy thanh nhạc.

Tôi cũng từng phỏng đoán như một số người rằng: Trọng Tấn muốn thôi nghề sư phạm từ lâu vì mặc dù có nhiều người đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhưng anh mãi chưa được phong tặng danh hiệu ưu tú nên tự ái!? Anh lại bị kỷ luật khi bỏ diễn ở Lào thì cánh cửa công danh đã khép lại rồi. Nếu thôi dạy ngay lúc đó, hóa ra là người nhỏ nhen, dỗi hờn, làm mình làm mẩy, anh đủ khôn ngoan chờ đến lúc này và sắp tới có nhiều dự án âm nhạc với Anh Thơ, với Tùng Dương, với Nhạc sĩ Phú Quang… nên đây là cơ hội tốt nhất để dứt áo ra đi. Tuy nhiên, lập luận phỏng đoán của tôi và nhiều người ca sĩ Trọng Tấn phủ nhận ngay, cống hiến giọng hát cho công chúng mới là điều anh quan tâm.

Trọng Tấn luôn cống hiến những bài hát hay cho khán giả.

Tôi đồ rằng: Trọng Tấn đủ bản lĩnh để chịu đựng những chia sẻ hay phê phán của dư luận, thậm chí khôn khéo né tránh để không bị biến thành con mồi trên bàn nhậu của thế gian, dù chẳng vui vẻ gì. Biết làm sao được, khi anh đã là người của công chúng thì anh phải chấp nhận sự phán xét dư luận. Vả lại, cái sự kiện này đã mang tính thời sự, đã là vấn đề xã hội, chứ không còn là phạm trù riêng cá nhân Trọng Tấn nữa. Nếu cứ dạy thanh nhạc và đi hát như hiện nay, tương lai Trọng Tấn sẽ trở thành Trưởng khoa Thanh nhạc, sẽ là tiến sĩ, là giáo sư, là Nghệ sĩ Nhân dân… như con đường các thầy cô đáng kính của anh đã từng đi. Còn thôi nghề dạy, chỉ đi biểu diễn tự do có thể không đạt được các tước hiệu nhưng anh được tự do thoát khỏi cái dây vô hình của phận sự công chức ràng buộc và tất nhiên sẽ được nhiều tiền hơn, được hạnh phúc với niềm vui cống hiến chỉ bằng giọng hát. Cũng là danh, chọn cái danh nào, cũng là lợi, chọn cái lợi nào? Chắc chắn Trọng Tấn đã phải trải qua nhiều dằn vặt và có cả bản lĩnh để đi theo tiếng gọi của lý trí và trái tim mình.

Sự việc Trọng Tấn xin thôi làm nghề sư phạm, bỗng nhiên tôi nhớ đến tình trạng chảy máu chất xám, chảy máu tài năng hiện nay từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển, từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân và nước ngoài. Nhân loại không bao giờ mất đi các giá trị tài năng ấy, mà nó chỉ dịch chuyển từ khu vực này sang khu vực khác.

Trường hợp Trọng Tấn là tài năng dịch chuyển từ khu vực sư phạm công chức sang khu vực tư nhân showbiz Việt. Lợi ích cho Trọng Tấn thì đã rõ và bộ phận công chúng giải trí sẽ được thụ hưởng nhiều hơn từ giọng hát Trọng Tấn, nhưng bộ phận nhỏ ca sĩ đang được đào tạo chính quy sẽ thiệt thòi không được thầy Trọng Tấn tài năng truyền nghề.

Sự việc Trọng Tấn xin thôi dạy thanh nhạc, để đi hát tự do còn nói lên một sự thật đau lòng: Nghề sư phạm gắn với công chức đã mất thiêng và đang giảm giá trong thời kinh tế thị trường, đối với Trọng Tấn thì ít ra là xếp sau cái nghề làm ca sĩ tự do. Tôi không biết một tháng Trọng Tấn lĩnh lương ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là bao nhiêu, nhưng rất khó để sánh vai với một vài suất hát phòng trà. Chế độ lương mang tính bình quân chưa bao giờ khuyến khích và giữ được tài năng ở lại khu vực Nhà nước. Nếu không vì tình yêu tổ quốc, tình yêu  nghề nghiệp thì giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đoạt Giải thưởng Fields không về làm việc ở Việt Nam khi Viện Toán đã “phá lệ” trả lương cho ông cao lắm không quá 5 triệu đồng/1 tháng thực tế.

Nghệ sĩ Trung Kiên nói rằng: “…Không phải vì lương giảng viên thấp mà cậu ấy bỏ trường, vì cuộc sống hiện giờ cậu ấy không quá trông chờ vào đồng lương công chức để phải bỏ nghề để đi kiếm tiền ở bên ngoài”. Nếu vậy thì, hóa ra Trọng Tấn không yêu nghề, mà thôi nghề, chứ “không phải vì lương giảng viên thấp”? Có người chỉ cần tiền với điều kiện cần và đủ để theo cái nghề mình yêu thích, hay đeo đuổi một mục đích cao cả nào đó. Có người lại muốn kiếm nhiều tiền rồi lại có rất nhiều tiền. Sở hữu ước mong, khát vọng thì thúc đẩy hành động. Muốn nhiều tiền và là ra nhiều tiền một cách chính đáng cũng là con người tài năng tử tế. Tôi cho rằng: Nếu như có cái việc Trọng Tấn thôi nghề dạy thanh nhạc vì đồng lương công chức thấp, anh cho rằng không xứng đáng với công sức trí tuệ của anh, để đi biểu diễn tự do cũng là chuyện bình thường. Ý muốn, khát vọng, lựa chọn của cá nhân nên được xã hội tôn trọng.

Thời đại chúng ta đang tiến dần đến văn minh dân chủ, con người được tự do định giá, có quyền mặc cả quyền lợi khi bản thân tham gia lao động. Ở đây, câu dân chủ và trách nhiệm với cộng đồng rất đáng để cho chúng ta suy nghĩ.