Triều Tiên cử lãnh đạo quân đội sang Trung Quốc làm hòa?

Kim Jong Un đã cử đặc phái viên sang Trung Quốc trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa liên tục có những hành động bị cho là khiến Bắc Kinh nổi giận.

Thông tin được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải. Theo hãng tin này, ông Choe Ryong-Hae, chủ nhiệm tổng cục chính trị của quân đội Triều Tiên đã lên đường sang Trung Quốc sáng nay với tư cách đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Ông Choe là quan chức cấp cao nhất được Bình Nhưỡng cử tới Bắc Kinh kể từ sau chuyến thăm Trung Quốc tháng 8/2011 của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il. Trong khi đó nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un chưa từng sang thăm đồng minh thân cận nhất của mình kể từ khi lên nắm quyền.

Chuyến thăm diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm với quan hệ Trung – Triều, vốn đã chịu nhiều thử thách trong vài tháng qua, sau khi Bình Nhưỡng từ chối cảnh báo của Bắc Kinh về chương trình vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc từ lâu luôn là đồng minh lớn duy nhất và nhà tài trợ lớn nhất về kinh tế cho Triều Tiên. Vậy nhưng mới đây nước này đã bất ngờ ủng hộ lệnh cấm vận mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau vụ Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng 2. Cũng chính lệnh cấm vận này khiến Triều Tiên liên tục có hành động làm gia tăng căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu với AFP, giáo sư Yang Moo-Jin đến từ đại học Triều Tiên tại Seoul nhận định thời điểm của chuyến thăm cách khá xa cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung ngày 7 và 8/6 tới.

“Choe là người thân cận nhất của Kim Jong-Un, do đó ông Kim rõ ràng muốn cử phái đoàn cao cấp nhất tới Trung Quốc trước cuộc họp thượng đỉnh nêu trên. Đây sẽ là cách để lãnh đạo Triều Tiên gửi thông điệp tới Tổng thống Mỹ Obama liên quan đến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân”, ông Yang nói.

Cùng lúc đó, việc công khai chuyến thăm của một nhân vật cấp cao như ông Choe cũng có thể là nỗ lực để hàn gắn những tổn hại đối với mối quan hệ vốn đã bị suy yếu kể từ sau khi được gây dựng trong chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.

Thực hiện lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, thời gian qua Bắc Kinh đã thắt chặt các hoạt động tài chính của Bình Nhưỡng tại nước mình.

Sự căng thẳng trong mối quan hệ hai bên còn được thể hiện qua vụ việc một tàu cá Trung Quốc cùng 16 thuyền viên bị phía Triều Tiên bắt giữ trên vùng biển giữa hai nước. Chủ của con tàu khẳng định họ bị bắt cóc bởi quân đội Triều Tiên và bị đòi tiền chuộc.

Đến hôm qua con tàu cùng các ngư dân đã được thả nhưng Bắc Kinh vẫn đang yêu cầu Bình Nhưỡng giải thích về vụ việc.